Quý Thương

Chương 8: Cái chêm gỗ (8)

Trước Sau
“Tối hôm ấy đúng là bọn em có gặp thầy Vương.”

An Vĩ thừa nhận 10 giờ đêm hôm đó có gặp Vương Cảnh Bình ở ngoài quán bar “Yên Hỏa” nhưng lúc đó mặt Vương Cảnh Bình đã bị thương rồi. Mấy đứa bọn nó cũng chỉ bị Vương Cảnh Bình thuyết giáo cho một bài chứ không đứa nào cãi lại hay xô xát gì với thầy. Tầm 10 giờ 10 thì Vương Cảnh Bình bỏ đi, sau khi thầy đi An Vĩ và hai đứa bạn đi cùng đều mất hứng nên bảo nhau sang chỗ khác chơi.

Bọn chúng đi dọc theo bờ sông Tân Hà thì đụng độ đám lưu manh từng ẩu đả với mình hôm trước. Lúc ấy bọn kia đông hơn nên An Vĩ và Tào Côn cùng cắm đầu chạy còn Trương Vệ Đông bị rớt lại thì ăn đòn, đến giờ còn nằm trong viện.

Từ Bân ở lại hỏi chuyện đám học sinh cùng Sài Lộ, Doãn Hạo vào bệnh viện xác minh tình trạng của Trương Vệ Đông.

Trương Vệ Đông nằm ở bệnh viện số hai của thành phố, cũng là chỗ Quý Thương đến khám.

Doãn Hạo lái xe gần đến nơi thì nhận được điện thoại của Đặng Đăng, cậu ta bảo cánh tay trật khớp của Quý Thương bị ngấm nước lúc tắm nên cậu ta phải cùng Quý Thương vào viện băng bó lại.

Chỉ còn gần hai tiếng nữa là đến giờ tan sở, Đặng Đăng nhắn vị trí phòng khám cho Doãn Hạo, ý là muốn “bàn giao” Quý Thương luôn ở viện.

Doãn Hạo đến khu phòng khám của khoa chỉnh hình, anh vừa quẹo vào hành lang thì bị Đặng Đăng từ đâu nhảy ra chặn đường.

Tiểu Đắng hất hất cằm về chỗ cách đó không xa: “Đừng ra đấy vội anh ạ, hình như gặp người quen thì phải.”

Phân nửa gương mặt Quý Thương bị người đàn ông mặc áo blouse trắng che khuất, nhưng nửa gương mặt lộ ra là đủ để thể hiện hết vẻ ngỡ ngàng, bối rối.

Hai người đó không nói gì mà chỉ đứng nhìn nhau, còn Doãn Hạo thì chưa bao giờ thấy Quý Thương với vẻ mặt ấy.

Tiểu Đắng lôi Doãn Hạo ra ngồi xuống dãy ghế chờ khám: “Anh Cửu thay thuốc xong rồi, ảnh nói chuyện với bác sĩ kia mấy câu chắc cũng nhanh thôi, hay là em về trước nhé? Em vừa tra được mấy cái này đang muốn về đội đối chiếu với mọi người.”

“Anh Cửu á?”

“Ảnh bảo em gọi thế cho khỏi lộ, bạn bè ai lại cứ gọi anh Quý mãi.” Tiểu Đắng lại bảo: “Nào thế em đi về được không?”

Doãn Hạo còn chưa kịp trả lời thì điện thoại anh đã báo có tin nhắn.

Quý Thương nhắn: Tôi gặp người bạn, bọn tôi xuống quán cà phê dưới tầng, tôi đợi cậu ở đấy.

Doãn Hạo chìa tin nhắn cho Tiểu Đắng đọc rồi sải bước bỏ đi: “Tôi đi tìm Trương Vệ Đông đã.”

“Thế bên này thì sao? Em có phải canh nữa không? Ơ kìa?? Anh nói đi xem nào? Sao tự dưng lại mặt như đâm lê thế kia? Doãn Hạo!? Anh Doãn!”

Trương Vệ Đông bị bầm dập khắp người nhưng chỉ là tổn thương phần mềm chứ không ảnh hưởng gì đến xương và nội tạng. Lúc Doãn Hạo bước vào phòng bệnh cậu ta đang ngồi phưỡn trên giường, vừa ăn chuối vừa xem Tây Du Ký chiếu lại và cười hềnh hệch.

Tính tình Trương Vệ Đông khác hẳn An Vĩ, An Vĩ còn được cái to mồm chứ Trương Vệ Đông đúng là chúa hèn từ ngoài vào trong.

Doãn Hạo vừa trình thẻ ngành là có bao nhiêu thằng bé này khai tuốt tuột.

Về cơ bản thì thông tin Trương Vệ Đông cung cấp trùng khớp với lời khai của An Vĩ và Tào Côn. Mặt khác Doãn Hạo biết được rằng mẹ Trương Vệ Đông đã tịch thu điện thoại của cậu ta ngay buổi tối cậu bị thương để trừng phạt thằng con vì tội ra ngoài lêu lổng với bạn xấu.

Cũng tức là Trương Vệ Đông không thể liên lạc với An Vĩ và Tào Côn để thống nhất lời khai được, vì vậy thông tin ba học sinh này cung cấp rất đáng tin cậy.

“Thật ra sau lần bị thầy phát hiện em đã không muốn vào bar nữa rồi nhưng An Vĩ cứ đòi đi. Nó bảo Cam Lạc Lạc chỉ ra vẻ vậy thôi chứ loại con gái như nó đã biết tiền dễ kiếm thì kiểu gì cũng sẽ làm tiếp. Đến lúc đó chúng em chỉ cần quay video lại thì sẽ trả thù được vụ nó mách lẻo bọn em đi bar. Nhưng hôm ấy chưa thấy Cam Lạc Lạc đã bị thầy Vương bắt gặp rồi bị mắng cho một trận nên bọn em bỏ về luôn.”

Ngừng một chút, Trương Vệ Đông lại nói: “Chuyện sau đó em không phải kể chứ, em bị đánh nhà em có báo cảnh sát ạ.”

Doãn Hạo nói: “Có báo, nhưng đó là mẹ em báo sau khi mẹ em đến bệnh viện. Tôi nhớ không lầm thì lúc báo cảnh sát là gần 11 giờ. Đi từ “Yên Hỏa” đến bệnh viện không đến một tiếng đồng hồ, vậy thời gian còn lại em ở đâu?”

Trương Vệ Đông ngần ngừ hỏi: “Em không trả lời được không?”

Doãn Hạo đáp: “Được, nếu em không ngại bị coi là đối tượng tình nghi. Và tôi cũng nhắc em luôn em đủ mười bốn tuổi rồi, nếu đúng là sự việc có liên quan đến em…”

Trương Vệ Đông vội vàng xua tay: “Không không không, ý em không phải thế, chuyện thầy Vương thật sự không liên quan gì đến em đâu. Từ lúc rời khỏi quán bar là em không gặp lại thầy nữa rồi. Bị bọn kia đánh xong em không dám về nhà nên em ngồi một lúc ở bờ sông. Thế là…”

“Thế là sao?”



“Thế là em nghe thấy tiếng con gái khóc trên bờ đê, em nghĩ là có người chán đời định… nhưng lúc sau em mới nhận ra đó là cô Trần. Cô ấy đưa em đi bệnh viện. Nhưng cô ấy bảo em đừng kể chuyện gặp cô ấy cho ai biết.”

“Cô Trần nào?”

“Cô Trần dạy ngữ văn lớp 7, tên là Trần Thiến Di ạ.”

Hầu hết mọi người đều có một người như thế trong đời, một ngày ta và người đó bỗng dưng phải chia ly. Thật ra ta vẫn luôn có cơ hội tìm gặp lại người đó, nhưng… không bao giờ ta nhủ mình làm thế.

Ta sẽ sống tiếp bằng nhớ nhung và hồi ức, sẽ tưởng tượng ra thật nhiều viễn cảnh đẹp đẽ khi người đó tự động đến tìm ta, và những ngày sau khi hai ta hội ngộ. Nhưng khi chúng ta thực sự chạm mặt nhau một cách tình cờ, ta mới chợt nhận ra thứ ta cứ mãi nhớ thương có lẽ chỉ là những năm tháng ấy… không phải con người ấy.

Năm tháng thoi đưa, không ai thoát được cái bóng của thời gian.

Quý Thương không nghĩ rằng mình sẽ gặp lại Đinh Hằng Viễn trong hoàn cảnh này. Nhưng nghĩ lại hình như cũng hợp lý, bởi vì Đinh Hằng Viễn học y.

Hồi Quý Thương quen Đinh Hằng Viễn anh ta đang học năm thứ nhất. Nhiều năm trôi qua bề ngoài và phong cách người này không thay đổi nhiều, chỉ khác nhất là thêm một cặp kính trên mắt. Hơi thở xốc vác của thời niên thiếu đã phai nhạt đi nhưng vẻ ôn hòa nhã nhặn vẫn nguyên như cũ.

“Anh khác nhiều lắm à Tiểu Cửu? Không nhận ra anh sao?”

Lần đầu tiên nghe Doãn Hạo nhắc đến “Thiếu Nữ Cháy Trong Đồng Hoa”, trong một khoảnh khắc Quý Thương đã nghĩ vụ án mạng ấy có liên quan đến Đinh Hằng Viễn. Nhưng ngay sau đó Quý Thương hiểu rằng đó chỉ là một niềm mong mỏi trong tiềm thức của anh, cũng như cách anh trút phẫn hận vào từng con chữ.

Đinh Hằng Viễn mỉm cười nhìn Quý Thương, nụ cười vẫn thật nhẫn nại, dịu dàng. Khi sực tỉnh khỏi cơn hoang mang, điều đầu tiên nảy ra trong đầu Quý Thương là người này chắc chắn không thể liên quan đến vụ án mạng được.

Có câu lá rụng về cội, bà ngoại Quý Thương sống ở thành phố nhiều năm khi về già lại chuyển về quê nhà ở Ninh An. Về lại nơi bà sinh ra, một thôn nhỏ mang cái tên Hoa Đài thanh tao, xinh đẹp.

Từ ngày bà về ở quê hè năm nào Quý Thương cũng về thôn Hoa Đài chơi ít lâu.

Lần thứ ba Quý Thương về thôn Hoa Đài cũng là dịp hè, đó là lúc anh gặp Đinh Hằng Viễn.

Hôm đó Quý Thương vốn định đến tìm Đinh Tư Tân. Đinh Tư Tân là một cô bé dạn dĩ, bằng tuổi Quý Thương, hai đứa bắt bạn với nhau từ lần đầu tiên Quý Thương về thôn Hoa Đài.

Quý Thương học trường trung học trọng điểm của tỉnh, cậu lấy được một ít đề thi đại học năm trước nên định mang sang cho Đinh Tư Tân.

Đinh Tư Tân lúc ấy không có nhà. Nhưng có một người Quý Thương không quen mặt đang đứng ngoài cổng nhà cô bạn hút thuốc, trông anh ta có vẻ bồn chồn, bứt rứt.

Quý Thương từng nghe Đinh Tư Tân kể cô có một người anh vừa đẹp trai vừa học giỏi nói chung là hoàn hảo xuất sắc lung linh tên là Đinh Hằng Viễn.

Quý Thương đoán cái người mướt mát mồ hôi, đứng hút thuốc dưới trời nắng chang chang đó hẳn là anh trai Đinh Tư Tân.

“Em là Tiểu Cửu à?” Đinh Hằng Viễn quay lại thấy Quý Thương liền hỏi.

Quý Thương đáp: “Anh là anh của Đinh Tư Tân hả? Tiểu Viễn?”

“Chẳng biết trên dưới gì cả, gọi là anh Viễn chứ.” Đinh Hằng Viễn có vẻ bớt bồn chồn hơn, anh ta vẫy tay với Quý Thương, ra hiệu cho cậu lại gần: “Tiểu Tân sang nhà bạn chơi rồi, em tìm nó à?”

Quý Thương cảm thấy cái bộ điệu của Đinh Hằng Viễn cứ như đang ghẹo trẻ con, điều này làm cậu hơi khó chịu. Thiếu niên Quý Thương lúc ấy chỉ còn một bước nữa là đến tuổi trưởng thành, cậu ghét nhất người ta coi cậu là con nít. Chưa kể Đinh Hằng Viễn chỉ là một gã thanh niên chẳng lớn hơn cậu là bao.

Nhưng cứ như bị ma đưa lối, Quý Thương vẫn đi tới chìa tập đề ra cho Đinh Hằng Viễn.

Lúc Quý Thương chực quay đi thì bị Đinh Hằng Viễn gọi lại.

Đinh Hằng Viễn dụi tắt thuốc, bước tới trước mặt Quý Thương. Gió nóng thổi tốc lớp vải áo sơ-mi trắng của anh ta, gió thoang thoảng mùi thuốc lá. Mà Quý Thương cũng không cảm thấy khó chịu.

Trong sân nhà Đinh Tư Tân có một cái bệ bằng đá, loại bệ đá này rất phổ biến ở nông thôn, người ta dùng làm đủ mọi việc từ giặt quần áo, rửa rau đến đánh cọ đồ đạc.

Sân nhà bà ngoại Quý Thương cũng có một cái. Năm đầu tiên cậu về Hoa Đài nhà bà chưa lắp điều hòa. Hè nóng quá Quý Thương đổ đầy nước trên bệ rồi chui xuống dưới nằm cho mát, thế rồi cậu bị bà cầm mắc áo đuổi đánh vòng vòng trong sân.

Lúc này trên bệ đá nhà Đinh Hằng Viễn có một con gà trống đang bị trói chân, một vùng lông trên cổ gà đã bị nhổ nhẵn thín, lông gà rớt đầy xung quanh.



Thấy Quý Thương và Đinh Hằng Viễn đi vào sân con gà đang bị trói như đột nhiên linh cảm được nguy hiểm, nó vừa kêu quang quác vừa giãy đành đạch. Giãy dữ quá nó lăn bịch từ bệ đá xuống đất rồi vẫn cứng đầu giãy tiếp.

Quý Thương không nhịn được phì cười, cậu chỉ chỉ giữa lông mày mình, nhại lại bộ dạng ưu sầu hút thuốc của Đinh Hằng Viễn ban nãy rồi giễu cợt: “Hóa ra vừa xong anh đứng ngoài kia mặt như này là vì con gà đó.”

Đinh Hằng Viễn cười ngượng ngùng: “Tiểu Tân bảo mấy hôm nay mẹ ăn uống kém hơn, chỉ thèm ăn gà trống hầm bà ngoại làm hồi trước. Anh định làm thử xem.”

Quý Thương cười nói: “Có mà Tiểu Tân muốn ăn ấy.”

Hai thằng lại quay ra nhìn chằm chằm con gà trống vẫn chưa thôi lăn lộn dưới đất, nhìn lâu thật là lâu.

Đột nhiên Quý Thương bảo: “Sao bảo anh học trường y cơ mà? Vẫn không dám thịt gà à?”

“Học y là để cứu người chứ đâu phải sát sinh.” Đinh Hằng Viễn khích lại: “Thế sao, em thì dám hả?”

Quý Thương cười nhạo: “Có gì mà không dám.”

Sau đó hai thằng cùng giữ con gà lại, Đinh Hằng Viễn giữ đầu cánh gà để cái phần cổ đã nhổ lông của nó lồi hẳn ra.

Quý Thương cầm con dao phay Đinh Hằng Viễn lấy trong bếp nâng lên đặt xuống trên cái cổ gà, tới tới lui lui một hồi lâu mà vẫn chưa hạ được dao.

Hai thằng cùng đổ mồ hôi mướt mát, lông gà bay tán loạn trong sân. Cuối cùng con gà trống thiếu một mảng lông trên cổ được thả lại vào chuồng, nó còn quàng quạc lên án gia chủ một hồi lâu.

Một Đinh Hằng Viễn như thế… một Đinh Hằng Viễn nằm tận nơi sâu xa trong ký ức của Quý Thương… thật khó mà liên hệ được với máu me bạo lực.

“Giờ anh dám thịt gà chưa?” Quý Thương cười hỏi Đinh Hằng Viễn.

Đinh Hằng Viễn gỡ kính xuống rồi vừa nặn mũi vừa cười bất đắc dĩ: “Tiểu Cửu này, em lúc nào cũng nghĩ ra cách trêu anh.”

Trông thấy cái nhẫn màu bạc trên ngón vô danh tay trái Đinh Hằng Viễn, Quý Thương chợt cảm thấy như đứng giữa trời đông buốt giá bị ai đó thả một vốc tuyết vào cổ áo. Nhưng rất nhanh sau đó, anh bình tĩnh lại. Anh nghĩ có lẽ đây chính là lý do Đinh Hằng Viễn không tìm đến mình nữa, mà so với những điều Quý Thương từng lo nghĩ thì lý do này lại càng dễ tiếp nhận hơn.

Quý Thương cười nói: “Chuyện khi nào thế? Chúc mừng anh nhé, anh Viễn.”

Trước kia Đinh Hằng Viễn đòi Quý Thương gọi anh Viễn nhưng Quý Thương không nghe, cứ nhất định phải là Tiểu Viễn. Giờ đây khi nghe hai tiếng anh Viễn từ miệng Quý Thương, Đinh Hằng Viễn như chết sững trong bầu không khí xa cách.

Anh ta đeo kính lên, nhìn thoáng chiếc nhẫn trên tay mình rồi cười đáp: “Tốt nghiệp được gần hai năm thì kết hôn, con gái anh sáu tuổi rồi.”

Đinh Hằng Viễn nói rồi lấy điện thoại ra cho Quý Thương xem.

Cô bé trên màn hình vô cùng đáng yêu, Quý Thương bảo: “Mắt tròn xoe, miệng nhỏ xíu, cả cái lúm đồng tiền này nữa, giống…”

Nói đến đây Quý Thương nín bặt. Anh vội ngẩng lên nhìn Đinh Hằng Viễn, thấy người kia không hề tỏ ra đau khổ hay định tránh né gì.

Đinh Hằng Viễn cười thoải mái rồi cầm lại điện thoại và bảo: “Em cũng thấy giống Tư Tân à, anh cũng thấy thế đấy. Giống như đúc nhỉ.”

Hai người trò chuyện thêm một lúc Quý Thương mới biết mẹ Đinh Hằng Viễn đã qua đời. Cha anh ta bây giờ sức khỏe không được tốt nên đang ở bên viện phục hồi chức năng.

Nửa tiếng nữa Đinh Hằng Viễn có một ca mổ, anh ta dặn dò Quý Thương những điều cần chú ý cho cánh tay trật khớp rồi cả hai trao đổi số điện thoại, sau đó họ tạm biệt nhau.

Trước khi Đinh Hằng Viễn rời đi Quý Thương hỏi anh ta một chuyện.

“Đêm hôm em bị thương vào viện sao không gặp anh nhỉ?”

Đinh Hằng Viễn dừng lại, hỏi: “Đêm ngày nào vậy?”

Quý Thương đáp: “Đêm mùng hai, đâu tầm 10 rưỡi em vào đây.”

Lời nói dối này Quý Thương biên cũng không kín kẽ cho lắm, anh chỉ lén đổi ngày nhưng nếu vô tình Đinh Hằng Viễn biết ngày anh vào viện thật anh vẫn có thể chối rằng mình nhớ lầm thôi.

“10 rưỡi đêm mùng hai à.” Đinh Hằng Viễn nhìn Quý Thương, nhẩm lại ngày giờ một lần nữa rồi anh ta cười bảo: “Tối hôm ấy cha anh hơi khó chịu trong người nên hết giờ làm anh sang viện phục hồi chức năng trực cả đêm.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau