Mộ Phần Người Yêu

Chương 6

Trước Sau
Tôi đứng sững sờ trên lầu. Đẩy cửa ra, Minh Lâm em đang nằm trên ghế salon, thấy hai tay tôi trống không bèn hỏi: “Mua đồ đâu rồi?”

“Quên mang tiền.” Tôi nói bừa.

Tôi đi đến ngồi cạnh em rồi nhìn em thật cẩn thận. Em ấy yếu đuối như thế, cần có ai đó để bảo vệ cho em, ấy vậy mà đến cả lòng tự trọng tôi còn không cho em được. Tôi tuyệt vọng ôm chầm lấy em, cảm nhận được hết nỗi cô độc khắc sâu tận trong xương cốt. Dường như cả đời này chỉ còn lại tôi và Minh Lâm, dìu dắt cho nhau đi trên một cây cầu không thể quay về, cô độc chẳng một ai giúp.

Ngoài tình yêu, chúng tôi không còn gì nữa cả.

Sáng sớm hôm sau tôi đã chạy đến dưới tòa nhà công ty Giả Khoa. Tôi trốn ở phía đối diện đường trông thấy Giả Khoa đưa mẹ vào xe. Thế này chắc là đưa bà đi rồi. Không biết đời này tôi còn cơ hội nào để nói chuyện với bà không nữa.

Tôi bỏ một tuần ra để tìm căn nhà nhỏ ở Tây Môn. Nó chỉ cách chỗ ở hiện tại chừng hai đầu ngõ nhỏ. Căn nhà hơn năm mươi mét vuông, một phòng ngủ một phòng khách thêm vài món gia dụng đơn giản, đủ cho tôi và em ở cùng nhau.

Đến hôm dọn nhà đi tôi mới nói với em chuyện đó, cũng chẳng nói lý do tại sao mà em cũng không hỏi. Em rất nhạy cảm với những chuyện như thế này. Chỉ là nhìn em cũng có phần khổ sở, chắc là cảm thấy làm liên lụy đến tôi.

Những đồ cần chuyển không nhiều, cơ bản chỉ là vài bộ quần áo và vài món đồ hay dùng, tất cả đều nằm gọn trong một chiếc cặp da lớn. Trong đó có một bộ loa tôi mượn tiền Giả Khoa để mua. Tôi rất thích bộ loa đó và đã mua vào năm thứ hai đi làm. Khi đó hiệu suất bán hàng của Giả Khoa như bùng nổ, còn tôi thì đang mải chơi. Sau đó tôi tình cờ thấy bộ loa này trong một tháng đó tôi chạy đến cửa hàng coi tận sáu lần. Cuối cùng Giả Khoa thấy thì nói: Thích mua cứ mua thôi. Khoản này tao cho mày vay, không thời hạn không lời lãi gì hết, bao giờ có tiền thì trả. Sau đó mỗi lần dọn nhà tôi thứ duy nhất tôi đem đi chỉ có nó. Trước khi đi tôi còn lau nó cẩn thận sạch sẽ, sau đó lẳng lặng nhìn nó năm phút, vẫn giữ nó lại thôi.

Đảo mắt nhìn căn phòng một tuần này coi như lời tạm biệt. Một tay tôi nhấc cặp da còn tay kia dắt Minh Lâm rời đi. Chúng tôi muốn bắt đầu sống một cuộc sống chỉ có hai người một cách đàng hoàng nhất.

Sau khi thu xếp nhà mới xong tôi lại phải đến công ty Giả Khoa một chuyến. Tôi bỏ chìa khóa vào bao thư rồi đưa cho tiểu Triệu ở quầy lễ tân, nhờ cô ấy gửi nó cho Giả Khoa giúp. Tiểu Triệu nói Giả Khoa đang ở trong văn phòng, tôi có thể sang đó đưa trực tiếp, nhưng tôi trả lời là không cần. Chắc chắn Giả Khoa sẽ không muốn gặp tôi.

Sau khi chuyển nhà xong có rất nhiều thứ vẫn không hài lòng. Đầu tiên là hạng mục của công ty xảy ra vấn đề, giám đốc Triệu thì tóm tôi đi họp không kể ngày đêm. Giống như chỉ cần họp là có thể giải quyết được vấn đề vậy. Rồi lại đến Minh Lâm vừa náo loạn trốn nhà đi, may thay khi đó tôi đưa em về nhà lại được. Tất nhiên lý do là bởi em phát hiện những lời tôi nói với em không thật, thuốc trong chai càng lúc càng nhiều hơn. Em cảm thấy khó chịu nên không muốn làm phiền đến tôi nữa, vì thế nên em mới chọn cách rời đi. Chúng tôi đã cãi nhau một trận to vì chuyện này.

Tôi thật sự tức giận, suýt nữa đã vung tay tát vào mặt em. Tôi đã mắng em như dạy dỗ một đứa trẻ. Chất vấn em tại sao không nghĩ cho tôi với, lẽ nào tôi không đáng để em dựa dẫm hay sao. Trong lòng tôi thật sự quá khó chịu, đột nhiên cảm thấy cuộc sống này thật mệt mỏi. Ngày nào tôi cũng bôn ba cuối cùng là vì điều gì chứ? Cuối cùng tôi lấy thuốc vứt lên bàn rồi nói: “Thích thì uống, anh mặc kệ. Em muốn chết khi nào thì chết. Chỉ cần trước khi chết nói với anh một tiếng là được, đừng trốn nữa. Đỡ cho tới lúc chết còn báo anh đi nhận xác về.”

Minh Lâm ngồi trên sô pha, vẻ mặt rất khó coi.

Đêm hôm ấy em phát sốt. Mới đầu chỉ ba mươi bảy độ rưỡi, thoáng chốc khi đến hừng đông thì đã sốt lên tận ba mươi chín độ. Tôi giật mình vội vội vàng vàng ôm em đi bệnh viện. Minh Lâm cao một mét bảy nhưng lại lọt thỏm trong lòng hệt như tôi đang ôm một đứa trẻ chỉ mới mười mấy tuổi. Lòng tôi lại bắt đầu chua xót.

Vì thời gian eo hẹp nên tôi ôm em đến một bệnh viện nhỏ gần nhà. Tôi bấm khám gấp. Bác sĩ mở hai kim tiêm hạ sốt rồi một đống thuốc hạ sốt, nói tôi đưa em vào phòng để tiêm. Vì để phối hợp trị liệu nên tôi nói hết tình trạng của em cho bác sĩ nghe. Vị bác sĩ đó như giật mình một cái như thể chưa từng nghe đến loại bệnh này. Ông mở miệng một lúc xong mới vội vàng nói: “Không được không được, mau đem tới bệnh viện khác đi. Bệnh viện của chúng tôi ở đây nhỏ lắm, không trị được đâu.”

“Tiêm thuốc hạ sốt cũng không được ạ? Em ấy sốt đến mức vậy rồi, cháu sợ…”

“Không được, đi mau đi, đi đi. Chúng tôi không trị được!”

Tôi và em gần như bị quát đuổi ra khỏi bệnh viện. Tôi biết bác sĩ ở đây không phải không chữa được mà là không muốn chữa. Ánh mắt đó của họ đã nói lên cả rồi. Tôi rất kinh ngạc, là một bác sĩ thế mà khi nghe được bệnh tình của Minh Lâm lại phản ứng chẳng khác gì người bình thường. Tôi chẳng thể nói ông ta không biết gì, dù sao cũng là người có nghiệp vụ, chỉ là tại sao lại không thể đối xử với em như một người bệnh thông thường. May mà em vẫn cứ ngủ mê man, chứ không em sẽ đau lòng lắm cho mà xem.

Tôi đành bất đắc dĩ đón taxi lên bệnh viện tỉnh. Dù sao đây cũng là bệnh viện lớn, hẳn sẽ có cái nhìn lý tính hơn về bệnh tình của em. Sau khi bác sĩ kiểm tra toàn diện rồi đề nghi em phải nằm viện. Tôi đã do dự một lúc lâu. Thật lòng mà nói tôi không hề muốn em phải vào viện, không phải tự dưng mà tôi đưa em về nhà. Nằm viện như chính thức tuyên cho em một án tử. Dẫu em đã nói với tôi rằng mình đã chuẩn bị cho cái chết, nhưng nằm viện với em mà nói chẳng khác nào người sắp chết phải vào quan tài. Mùi vị đó quá kinh khủng, không ai muốn nếm thử nó cả.

Bác sĩ biết tôi rất đắn đo nên mới khéo léo nói rằng như vậy sẽ tốt hơn cho bệnh nhân nhiều. Dù sao nhân viên y tế có nghiệp vụ vẫn nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Không còn cách nào khác tôi phải đành đồng ý cho Minh Lâm nằm viện.

Tôi nhìn em được đưa vào phòng cách ly ở khu truyền nhiễm. Sau đó, một cô y tá nhỏ tuổi ngoài hai mươi đến truyền dịch cho em. Cô ấy lấy một cây kim và chích vào mu bàn tay của em bốn lần nhưng không được, trên mu bàn tay em toàn là lỗ kim.

Tôi đứng cạnh nhìn mà sợ hãi không thôi. Làm sao tôi có thể giao em cho kiểu nhân viên như vậy được. Nếu ngày nào cũng chích như vậy thì làm sao mà sống nổi.

Bây giờ tôi không nhìn nổi được nữa, bèn nói: “Tiêm nhẹ thôi được không? Cô tiêm cho người cũng biết đau đấy.”

Cô y tá đó trợn mắt nhìn tôi một cái rồi buông cây kim giận đùng đùng đi ra ngoài. Có vẻ như tôi đã nói sai cho cô ấy rồi. Một lúc sau cô bé dắt đến một y tá trông lớn hơn. Người này thành thục hơn nhiều, cầm kim tiêm một lần đã được ngay. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Truyền dịch xong cũng đã hơn mười một giờ, Minh Lâm vẫn còn ngủ. Tôi bèn đến công ty một chuyến, sáng nay công ty đã gọi điện hối tôi lên tục. Trước khi đi tôi còn nhờ cô bé y tá đó chăm sóc em giúp tôi, bao giờ em tỉnh thì nói cho em biết là tôi đi đâu để em khỏi sốt ruột. Cô bé y tá hơi mất kiên nhẫn, nói biết rồi sau đó đi vào phòng bệnh. Lòng tôi lạnh toát, ngày đầu tiên đã không giữ được quan hệ tốt với y tá rồi, không biết em ở đây làm sao mà sống đây?

Đến công ty, giám đốc Triệu lập tức hối tôi đi Ôn Giang. Nói là ở đó có một mảnh đất cần nhận, là bạn ông ấy giới thiệu cho, đi để xem thử thế nào. Đầu tôi như căng lên, sao chỉ mới hai ngày mà những chuyện gấp gáp cứ ập đến cùng một lúc. Minh Lâm mới vừa nằm viện thì tôi đã đi xa.

Tôi nói em tôi nhập viên nên cần người chăm sóc, giám đốc Triệu nói phải lấy chuyện công ty làm trọng. Có vẻ như dạo gần đây giám đốc Triệu đã không hài lòng với việc tôi cứ xin nghỉ phép mãi vậy rồi. Tôi bèn nói hết lời để đẩy việc sang ngày mai.

Tôi lại xin nghỉ nửa ngày. Ba giờ rời khỏi công ty đến bệnh viện. Nhớ đến vẻ mặt y tá ban sáng khiến lòng tôi cứ bồn chồn, chắc chắn trong vòng nửa ngày đó em sẽ không dễ chịu gì cho cam. Tôi tiện đường ghé siêu thị mua cho em vài món đồ rửa mặt. Buổi sáng vội vội vàng vàng nên không chuẩn bị kịp thứ gì. Đến lúc vào bệnh viện, tôi thấy phía đối diện có sạp trái cây nên tính qua đó mua chút hoa quả.

Vừa đẩy cửa phòng bệnh, một cảm giác thê lương đã ập đến. Minh Lâm vùi cả người vào chăn, chỉ hé hai đôi mắt đỏ lên vì lo âu, đôi mắt ấy không ngừng né trái tránh phải. Giống như lần đầu tiên tôi tìm thấy em trong căn nhà đổ nát, tôi đến bên giường đặt đồ đạc lên chiếc tủ nhỏ, lúc đó tôi mới thấy đôi mắt ướt đẫm của em.

“Sao vậy?” Tôi vội vàng hỏi.

“Em tưởng là anh đã vứt bỏ em thật rồi.” Minh Lâm vùi đầu vào chăn mà khóc.

Em vẫn nhớ cuộc cãi vã ngày hôm qua. Hôm qua còn khăng khăng đòi chia tay, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ mới không gặp nhau vài tiếng mà em đã khóc như vậy. Minh Lâm chỉ tỏ ra mạnh mẽ. Tôi hối hận vì hôm qua đã nói những lời nặng nề như thế. Tôi kéo chiếc chăn làm đầu em lộ ra ngoài. Em không nhìn tôi mà cứ vùi đầu vào gối tiếp tục khóc, tôi ngồi ở mép giường, vỗ vỗ đầu em an ủi.

“Công ty có chuyện gấp tìm anh. Anh trông em cả đêm truyền dịch xong mới đi đấy. Lúc anh đi còn nhờ y tá nhắn lại với em. Em tỉnh nhưng cô ấy chưa nói với em sao?”

“Không ai nói với em cả.”

“Chắc là y tá bận nên quên mất.”

Đang nói chuyện thì cô y tá sáng nay lại bước vào. Thấy tôi bèn nghiêm nghị nói: “Đừng ngồi trên giường! Chẳng phải bên cạnh cũng có ghế à?” Tôi vội đứng dậy khỏi giường nhường đường cho cô ấy. Cô ấy đo nhiệt độ cho Minh Lâm rồi rời đi.

Tôi lại quay về ngồi, nói: “Chắc mai anh không ghé được, công ty điều anh đi Ôn Giang.”

“Bao giờ anh về.”

“Buổi tối.”

“Trễ lắm à?”



“Chưa biết nữa.”

Minh Lâm nhìn tôi trông đáng thương vô cùng, cứ như thể tôi muốn vứt em ở đây luôn vậy.

“Ở bệnh viện cũng không phải là không tốt. Em xem anh đi làm cả ngày để em ở nhà một mình như vậy, anh có chăm sóc gì cho em được đâu. Tốt xấu gì ở đây cũng có bác sĩ, em không khỏe chỗ nào họ sẽ đến ngay.”

Tôi giải sầu cho em, sợ em sẽ nghĩ quẩn. Tôi vươn tay ra áp lên trán em, vẫn còn nóng lắm. Tôi để mấy món đồ vừa mua vào ngăn kéo rồi gọt táo cho em sau đó mang cái phích đi đun chút nước nóng. Sáu giờ sẽ có người đến đưa cơm tối, đồ ăn cũng không tệ lắm, ngon hơn đồ nấu chín tôi mua mỗi ngày ở chợ rau dưới lầu. Minh Lâm ăn hai miếng rồi để ở đó, em ăn không được mới là vấn đề. Tôi chỉ đành dọn dẹp phần thức ăn còn lại cho em.

Đã đến giờ phải đi về ở bệnh viện, tôi phải đi, tôi bảo Minh Lâm đi ngủ sớm, đừng nghĩ lung tung nữa. Tôi đi ra cửa nhìn lại, thấy em lại chui vào trong chăn, chỉ lộ ra đôi mắt lạnh lùng đó. Tôi nhẹ nhàng quay mặt đi, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả, tôi đứng ở hành lang chần chừ một lúc rồi đẩy cửa bước vào phòng bệnh.

Tôi đi thẳng đến bên giường em, luồn tay nhét di động xuống dưới gối.

“Ngủ ngoan nhé, ngày mai đến Ôn Giang anh sẽ gọi cho em. Anh sẽ cố gắng tranh thủ chiều về, tối là đến nơi thôi.”

“Vâng, anh về nhớ cho chim ăn.”

Tôi gật đầu, lại sờ cái trán đang đẫm mồ hôi của em rồi nói: “Mau ngủ đi.”

Minh Lâm nghe lời nhắm mắt lại.

Về đến nhà trong căn phòng vắng lặng, tôi không bật đèn mà mặc quần áo nằm lên giường. Dù biết sớm muộn gì em cũng sẽ nhập viện nhưng hôm nay quá đột ngột, mọi chuyện xảy ra nhanh hơn. Tôi cứ tưởng mọi thứ sẽ diễn ra như kế hoạch, thế mà thực tế lại bất ngờ không đoán được.

Tôi trở mình, bên cạnh trống hoác. Từ sau khi chuyển đến đây em luôn nằm cạnh tôi. Tôi chợt nghĩ nếu em rời bỏ tôi trong lúc tôi đi vắng thì phải làm sao đây? Càng nghĩ tôi lại càng hoảng sợ, mạch máu nơi thái dương tôi trướng lên dữ dội, hô hấp cũng khó khăn hơn. Tôi ngồi bật người dậy rời khỏi giường, bật tất cả đèn trong phòng lên. Ánh đèn có thể an ủi tôi đôi chút nhưng tôi vẫn thấy vô cùng sợ hãi hệt như người sắp chết là tôi vậy.

Con chim oanh mỏ đỏ trên ban công đột nhiên kêu lên một tiếng, nói cho tôi biết trong căn nhà này không chỉ có mỗi mình tôi. Tôi nhớ ra lúc chuẩn bị đi em có nhắc tôi về cho chim ăn, thế mà vừa về lại quên mất. Tôi xách lồng chim vào trong nhà, cái máng đã trống không, chẳng trách muộn thế này mà nó còn hót, có vẻ như đói lắm rồi. Tôi bỏ vào lồng một ít thức ăn cho chim, thêm chút nước. Con chim oanh mỏ đỏ không nhịn được mà nhảy lên cái máng ăn liên tục. Ăn no rồi nó mới nhảy về cái vòng tròn nghỉ ngơi chải chuốt lại lông vũ.

Bên trong lồng vẫn còn treo tấm gương, sợi dây vải treo nó đã bắt đầu bị mài mòn. Con chim oanh mỏ đỏ soi gương, nó nhảy ra sau tấm gương để xem rồi lại nhảy về phía trước ngắm nghía. Nó cứ lặp đi lặp lại động tác này như thể là rất vui. Tôi không biết liệu có phải nó nhảy đến phía sau tấm gương để tìm bạn hay không. Suy nghĩ của động vật thật đơn giản, một chiếc gương thôi cũng lừa nó vui vẻ đến vậy. Tôi cũng được như vậy thì tốt rồi.

Tôi nhấc lồng chim đặt trên chiếc bàn trong phòng ngủ. Nhìn loài động vật nhỏ bé này khiến lòng tôi như dịu đi.

Tôi tắt đèn, ngủ thôi.

Sáng hôm sau, tôi, giám đốc Triệu và Tiểu Trần khởi hành từ Thành Đô lúc tám giờ sáng. Khi chúng tôi đến đường cao tốc giữa Thành Đô và Ôn Giang thì trời bắt đầu đổ mưa, càng đến gần Ôn Giang, mưa càng nặng hạt. Sắp mười hai giờ nên giám đốc Triệu mời mọi người dùng bữa trước. Tôi bèn tranh thủ ra quầy lễ tân gọi điện thoại về.

Điện thoại được kết nối, không biết do tín hiệu hay vì lý do nào khác nhưng tôi thấy giọng em rất run rẩy. Em nói hôm qua y tá mặt lạnh vào trực, truyền dịch đâm ba lần kim mới vào. Tôi nghe mà đau lòng không thôi, chắc mu bàn tay của em đã sưng tấy lên rồi, em sống trong bệnh viện thế này còn khiến tôi lo lắng hơn là ở nhà một mình nữa.

Sau bữa cơm trưa tôi cứ ngóng trông chiều đến nhanh về lại Thành Đô, nào ngờ kế hoạch thay đổi. Mưa quá lớn nên việc xem đất được chuyển sang sáng mai. Bạn bè giám đốc Triệu kéo chúng tôi đi chơi ở Ôn Giang trước. Có trời mới biết nơi nghèo nàn hẻo lánh này chẳng được bao nhiêu chỗ vui vẻ, qua chín giờ tối một cái là đến cả đèn cửa hàng cũng tắt, hơn nữa mưa vẫn không ngớt. Giám đốc Triệu không vội gì cứ cười đùa đáp ứng. Trong lòng tôi cứ như đang vờn với mèo vậy.

“Lo cho em trai cậu à?” Tiểu Trần thấy tôi thấp thỏm không yên.

“Ừ, em ấy nằm viện không ai chăm sóc.”

Những thứ đó ngược lại càng khiến cho tôi lo lắng thêm nhưng cũng chẳng thể làm gì được, ra ngoài làm việc, gia đình lớn cỡ nào cũng không bằng công ty. Chịu thôi! Mong mưa mau tạnh để tôi còn xong việc về Thành Đô sớm, tôi cũng không thích đợi ở Ôn Giang.

Chiều đến, bạn của giám đốc Triệu dẫn chúng tôi đến khu giải trí sang trọng nhất thành phố, trang trí không bắt mắt lắm, còn chẳng bằng quán karaoke hạng ba ở Thành Đô khiến tôi muốn bỏ chạy.

Ngồi được một lúc, tôi thực sự không chịu nổi không khí ngột ngạt trong phòng riêng nên lấy lý do đi vệ sinh chuồn ra ngoài. Tôi đi dạo quanh sảnh một vòng nhưng trời vẫn âm u mãi, mưa vẫn không có dấu hiệu tạnh. Có vẻ như hôm nay tôi không về được rồi.

Tôi thở dài, ngồi trên ghế sofa trong sảnh và châm một điếu thuốc.

“Anh trốn nhanh thế, cho em điếu thuốc đi.” Tiểu Trần cũng lẻn ra ngoài, ngồi xuống bên cạnh tôi.

“Để ông chủ một mình cũng không tốt đâu đấy.” Tôi ném sang điếu thuốc cho cậu ta.

“Haha, giám đốc Triệu chịu hết nổi rồi, nói em ra ngoài coi mưa nhỏ chưa. Ông ấy cũng không muốn kéo sang đến ngày mai.”

Tôi nhìn đồng hồ đã năm giờ. Mượn điện thoại của Tiểu Trần rồi ra hành lang gọi điện về cho em.

“Anh đến Thành Đô rồi à?” Minh Lâm rất hào hứng.

“Vẫn còn ở Ôn Giang. Chắc hôm nay không về được rồi.” Tôi tiếc nuối nói.

“Ồ.” Trông em rất ủ rũ, nói chuyện cũng không hăng hái nữa.

“Em còn sốt không?”

“Ba mươi tám độ, y tá vừa đến đo.”

“Uống thuốc chưa?”

“Em uống rồi.”

“Uống nước thì nhờ y tá lấy, đừng tự dày vò mình.”

“Anh không ở đây cũng chẳng có ai lấy nước cho em…y tá ngó lơ hết cả.” Giọng em sao nghe chua chát, lòng tôi cứ như bị nhéo vào một cái.

“Táo mua về nhớ ăn đi, rửa sạch rồi. Lát nữa ăn cơm em nhớ ăn nhiều một chút, đừng bỏ mứa. Truyền dịch xong đừng để tay ngoài chăn mà lạnh, anh đi về lấy khăn nóng lau cho em…” Tôi cứ càm ràm một lúc lâu nhưng vẫn không yên lòng. Tôi quyết định, mai sau khi về lại Thành Đô sẽ vào viện chăm em không rời một bước, bệnh viện này cứ như một nhà tù cho em. Chuyện công ty cùng lắm thì không làm nữa, cuối năm ngoái công ty thưởng cổ phần cho tôi cũng được tầm hai ba vạn, vừa khéo chữa bệnh cho em. Lúc trước vội đi vay tiền nên không nhớ được.

“Mai anh về tới à?”

“Mai về, chắc chắn mai em mở mắt ra sẽ thấy anh bên giường cho xem.”



“Vâng!” Giọng điệu của em như được trấn an hơn.

Tiểu Trần cứ đứng hối trong hành lang, tôi tranh thủ nói thêm hai câu rồi cúp máy.

May là trời mưa không quá lớn mà tạnh ngay trong đêm. Sáng hôm sau chúng tôi đi xem, đến giữa trưa ăn cơm xong thì về lại Thành Đô. Trên đường tôi có gọi cho em nhiều lần nhưng đều tắt máy. Chẳng lẽ em chờ tôi cả sáng nay không thấy đâu nên mới tắt máy đi. Nhưng chắc em sẽ không hẹp hòi đến thế.

Xe của giám đốc Triệu đưa tôi thẳng đến cổng bệnh viện, tôi lao vào khu nội trú, vừa vào phòng đã thấy Minh Lâm nửa nằm trên giường đọc tạp chí.

“Ôn Giang chơi có vui không?” Minh Lâm hào hứng, thần sắc khác hẳn khi nói chuyện điện thoại với tôi hôm qua.

“Anh đi công tác chứ có đi chơi đâu? Sao rồi, còn sốt không?”

“Có chút chút, nhưng mà khỏe hơn hôm qua rồi.”

“Đúng rồi, sao điện thoại tắt máy vậy? Lúc nãy anh không gọi được.”

“À, y tá lấy điện thoại đi rồi.”

Tôi vốn biết không được nghe điện thoại trong phòng bệnh. Chắc chắn y tá mặt lạnh kia đã lấy điện thoại đi. Tôi phải đi tìm y tá trưởng để giải thích. Vừa định đi ra ngoài thì một y tá đã đẩy xe thuốc đến. Cô trông thấy tôi thì cười chào hỏi một tiếng, còn tôi thì cứng nhắc gật đầu đáp lại. Tôi đã quen với khuôn mặt lạnh lùng của y tá, không quen với kiểu chào hỏi chủ động và thân thiện này.

Cô y tá nhỏ dừng xe đẩy thuốc trước giường bệnh, lấy từ trong túi ra một chiếc điện thoại di động, đó là chiếc điện thoại tôi đã đưa cho em, cô y tá nhỏ nhét chiếc điện thoại di động vào dưới gối của em rồi nói: “Sạc xong rồi, giấu dưới gối đi nhé. Lần sau không có điện thoại thì nói tôi. Còn dùng điện thoại thì cẩn thận một chút, đừng để y tá khác thấy, nhất là y tá trưởng. Đến lúc đó tôi cũng không còn cách nào đâu.”

Cô y tá lấy chút đồ ăn trên chiếc xe thuốc sang cho em rồi kiểm tra nhiệt độ cơ thể, xong rồi còn cười một cái rồi mới đi ra. Tôi vẫn cứ đứng ngay cửa đưa mắt nhìn theo y tá rời đi. Song mới buồn bực ngồi lên giường em.

“Sao thấy y tá cười mà anh khó chịu thật.”

“Tại anh, cứ thích người khác khó chịu với anh đấy.” Em giơ tay lên, trên cổ tay treo xâu tiền thắt bằng nút kiểu Trung Quốc: “Vừa nãy y tá cho em. Tạp chí là cô ấy vừa mua, nói là cho em đọc trước, khuya về cô ấy mới đọc. Lúc cô ấy nói mình họ Miêu, em còn tưởng cổ học tiếng mèo kêu nữa ấy.”

(Thêm hình nút thắt kiểu trung dùm bé: https://www.google.com/search?q=%E4%B8%AD%E5%9B%BD%E7%BB%93&rlz=1C1GCEU_enVN921VN921&oq=%E4%B8%AD%E5%9B%BD%E7%BB%93&aqs=chrome.0.69i59l2j0i512l2j46i199i465i512j0i512j69i60l2.452j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8)

Đã từ rất lâu rồi tôi không thấy gương mặt tươi cười của em, em thật đơn thuần đáng yêu làm sao. Chỉ cần có ai đó đối xử tốt với em một chút thôi đã đủ khiến em vui vài ngày rồi. Tinh thần em tốt nên cũng khiến tôi yên tâm hơn, nhớ đến khi đó em vùi mặt vào chăn khóc khiến tôi lo lắng không thôi.

“Nếu anh mà biết sợi dây màu đỏ trị giá mười nhân dân tệ lại làm em hạnh phúc đến như thế, chắc anh đã mua cả một bao tải cho em hạnh phúc rồi.”

“Ai bảo anh không mua.”

Tôi cười kéo em sang, nhìn ánh nắng ngoài cửa sổ thôi cũng thấy đẹp vô cùng.

“Tiểu Miêu giống bạn gái cũ của em.” Mặt Minh Lâm hơi đỏ lên.

“Em có bạn gái nữa à?” Tôi giật mình, em chưa hề nhắc điều đó với tôi.

“Em không được có bạn gái sao?”

“Không phải là không được, em chưa hề nói chuyện đó mà. Giống Tiểu Miêu vậy chắc bạn gái em cũng xinh lắm nhỉ?”

“Không phải tướng mạo, em nói là cái tâm bên trong cơ.”

“À. Bây giờ cô ấy làm gì rồi?”

“Đang học. Lúc trước tụi em đã nói, chờ bao giờ em ấy tốt nghiệp thì cả hai sẽ kết hôn, sau đó xuất ngoại, em cũng đi học cao giống cô ấy.”

“Cô ấy học gì, cao đẳng hay đại học?”

“Nghiên cứu sinh. Giỏi lắm!”

“Vậy chẳng phải lớn hơn em à?”

“Lớn hơn em thì sao, gái hơn trai ba buổi thì tốt chứ. Cô ấy thông minh, tính tình hiền lành, còn biết nấu ăn, nấu món cá chép thịt băm ngon tuyệt. Em đều học từ cô ấy cả chứ lúc trước em nấu ăn tệ lắm.”

Nhắc đến người bạn gái cũ nhưng trông em rất tự hào. Trong lòng tôi chợt dấy lên cảm giác là lạ. Em nấu cá chép thịt băm cho tôi có phải vì muốn lấy cô ấy không.

“Nếu không phải em làm ra những việc này…đều do em ngốc quá…” Trong đôi mắt em là nét thẫn thờ.

Hơn nữa tôi vẫn không biết tại sao em lại mắc bệnh. Chắc có lẽ vẫn nên chờ em nói ra thì hơn, đều là những chuyện đau lòng, không tiện hỏi.

“Đừng nghĩ đến chuyện quá khứ nữa, chẳng phải anh đã ở đây rồi sao?” Tôi cầm tay em rồi nói.

“Cũng đúng, em không thể hối hận được.”

Tôi nấn ná một chút rồi đi, muốn được bên cạnh em nhiều hơn thêm chút nữa. Ra khu nội trú tôi thấy y tá Tiểu Miêu đang đẩy xe ra phía ngoài bệnh viện. Cô đang đổi ca, thay bộ đồ thành một chiếc váy trắng tinh. Tôi gọi cô lại vì muốn cảm ơn cô đã chăm sóc cho em.

Y tá tên Tiểu Miêu ngại ngùng lắc đầu nói: “Anh khách sáo quá rồi, đây là những chuyện trong phận sự của em. Sợi dây nút thắt kiểu Trung Quốc có là gì đâu, nó tặng kèm bên tạp chí thôi. Sáng em thấy cậu ấy nằm một mình trên giường cô đơn quá nên em muốn cậu ấy vui vẻ hơn một chút.”

“Dù sao cũng cảm ơn em. Lâu rồi em ấy chưa vui đến như vậy.”

“Nếu anh không bận gì thì đến thăm cậu ấy nhiều một chút. Bây giờ cậu ấy rất cần có người kề cạnh. Sự quan tâm của người còn tốt hơn thuốc gấp nhiều lần nữa đấy.”

Y tá Tiểu Miêu cứ lặp đi lặp lại, sau đó cô đẩy xe rời đi. Nhìn chiếc váy trắng phấp phới trong gió đêm, tôi chợt nhớ đến thiên sứ áo trắng, nghĩ cô gái này rất hợp với từ đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau