Lục Hào

Chương 1: Chương 1

Sau
Biên tập: Keikan

Trình Tiềm tuổi mụ là mười, chậm lớn, thân hình không theo kịp tuổi tác.

Gần giữa trưa, nó ôm củi từ ngoài cổng đi vào nhà chính, nguyên một bó khó chuyển, nó chạy tới chạy lui hai chuyến, cả người ướt mồ hôi mới an tâm vùi đầu thổi lửa nấu cơm.

Mấy ngày nay trong nhà có khách, cha nó bận rộn tiếp đãi, rửa rau nấu cơm nhóm lửa chẻ củi một núi công việc toàn bộ đổ lên đầu Trình Tiềm, biến nó thành một cái vụ chân ngắn, bất kể thời gian địa điểm đều có thể nổi gió.

Bởi vì quá lùn, tuy Trình Tiềm có thể với tới bệ bếp, nhưng nấu trong cái nồi lớn khá bất tiện, nó đem một cái ghế tìm thấy trong góc nhà chính xuống đây.

Cái ghế nhỏ bốn chân không đều, khập khiễng, Trình Tiềm từ sáu tuổi đã bắt đầu học bắt ghế nấu cơm, sau vô số lần suýt rơi vào nồi biến thành canh thịt người, nó đã biết cách tìm đồ kê dưới cái ghế so le để chung sống hoà bình, duy trì thăng bằng.

Hôm nay, nó đang đứng trên ghế châm nước vào nồi lớn, đại ca trở về.

Trình gia đại ca đã mười lăm, là một đại tiểu tử, cả người mồ hôi, lặng lẽ đi vào nhà chính, nhìn xung quanh rồi một tay xách ấu đệ từ cái ghế nhỏ xuống, không nặng không nhẹ đẩy sau lưng nó một cái, không vui nói: “Để ta, đệ đi chơi đi.”

Trình Tiềm đâu phải loại không tim không phổi chạy đi chơi, nó khéo léo kêu một tiếng đại ca, tiện đà ngồi xổm một bên, hì hục kéo ống bễ.

Trình Đại Lang cúi đầu nhìn nó một cái, không nói gì, ánh mắt hơi phức tạp.

Trình gia có ba người con trai, Trình Tiềm thứ hai, cho đến tối ngày hôm trước, vị khách kia chưa tới, Trình Tiềm vẫn còn là “Trình Nhị Lang”.

Đại Lang biết, hôm nay hai chữ ‘Nhị Lang’ đã trở thành tên mụ đơn giản của người nhị đệ này, cùng nó thay hình đổi dạng, tha hương đất khách.

Vị khách đến lúc chiều ngày hôm trước là một đạo sĩ, tên gọi là gì không rõ, trâng tráo tự xưng “Mộc Xuân chân nhân”, có điều xét về tướng mạo, vị chân nhân này e chẳng có bản lĩnh gì. Ông để một chòm râu dê lưa thưa, đôi mắt tam giác nửa khép nửa mở, lộ ra một đôi chân gầy trơ xương dưới lớp trường bào bồng bềnh, chẳng có chút tiên phong đạo cốt mà giống tên thầy bói giả danh lừa bịp hơn.

Chân nhân vốn dĩ du lịch ngang qua đây, vào xin chén nước, không ngờ nhìn thấy Trình Nhị Lang.

Trình Nhị Lang khi đó vừa từ ngoài chạy về —— ở cổng thôn có một lão đồng sinh thi mãi không đậu, mở lớp dạy học. Học vấn của lão cẩu thả, được cái thu phí cao, thịt khô rau quả nhà nông chướng mắt quá rồi, chỉ thu vàng, bạc hoặc tiền vuông, hơn nữa còn không có định mức —— tiêu xài hết thì chìa tay với học sinh.

Thái độ làm người như vậy không xứng để truyền đạo giảng dạy sách thành hiền, nhưng hết cách, hài tử nông thôn đọc sách không dễ, mười mấy dặm xung quanh, chẳng tìm được người thứ hai dạy đọc sách.

Bằng gia cảnh Trình gia, khẳng định không có dư tiền cho các con đi đọc sách gì đó, toàn những thứ chi, hồ, giả, dã đọc chẳng thuận miệng lại có sức hấp dẫn hơn tất thảy với Trình Nhị Lang, nó không thể quang minh chính đại mà đi, đành phải thường xuyên chạy đi nghe trộm.

Lão đồng sinh này làm như một giọt nước bọt nhỏ xíu đều là dốc hết tâm huyết mà phun ra, không chịu cho nghe miễn phí, cứ giảng bài đến phân nữa là cảnh giác đi tuần xung quanh.

Trình Nhị Lang đành hoá thân làm khỉ, ở trên cây hoè lớn ngoài cổng nhà lão đồng sinh ẩn ẩn núp núp, đi nghe trộm mà một người mồ hôi như ‘Tu thân tề gia bình thiên hạ’.

Đêm qua, Trình Nhị Lang cả người mồ hôi chạy về gặp phụ thân bị sai đem nước cho khách. Vị khách cổ quái này không cầm liền, mà chìa bàn tay gầy đét lạnh lẽo ra, không sờ nắn khung xương, cũng chẳng dùng công pháp cổ quái gì, nhẹ nhàng nâng mặt nó lên, mắt đối mắt với đứa trẻ đang nỗ lực bắt chước “Thư sinh toan hủ khí”.

Không biết chân nhân tìm ra manh mối gì trong cái nhìn này, sau khi xem xong thần thần bí bí gật đầu, quay người mở miệng nói như thật với Trình gia: “Ta thấy nó tư chất hơn người, tương lai có thể lên trời xuống biển, không chừng còn có phúc phần lớn, không phải vật trong ao.” (Đằng thiên tiềm uyên = bay lên trời cao, lặn xuống vực sâu)

Lúc chân nhân nói lời này, Đại Lang cũng có mặt. Đại Lang theo chủ hiệu buôn học nghề bên ngoài, gặp không ít người từ nam chí bắc, tất nhiên có chút kiến thức, vậy mà cũng chưa nghe qua nhìn một cái có thể thấy tư chất tốt xấu.



Đại Lang vừa định khinh miệt phản bác cái bọn giang hồ bịp bợm này, còn chưa mở miệng, đã thấy cha mình nghe lọt tai chuyện hoang đường này, kinh hồn bạt vía hiểu ra chuyện gì.

Trình gia vốn chẳng dư dả, năm trước mẹ nó vừa sinh tiểu đệ, vì sinh khó khiến mẹ nó cứ ốm yếu đến mức rời giường chẳng được, cứ như vậy, trong nhà đã thiếu một người làm, lại tăng một cái siêu thuốc (Chỉ người hay đau ốm). Đã không giàu có, còn nghèo rớt mồng tơi.

Năm nay mất mùa, trời không làm mưa mấy tháng, mắt thấy lại một năm mất mùa, ba huynh đệ… e là nuôi không nổi.

Đại Lang biết cha mẹ nghĩ gì. Chính hắn học nghề được một năm rưỡi, thêm một năm rưỡi nữa có thể kiếm tiền cho nhà, là hy vọng tương lai của Trình gia. Tiểu đệ còn bọc tã, cha mẹ dứt không được, còn sót lại đứa giữa là Nhị Lang dư thừa, giữ lại không ích gì, nếu đẩy theo đạo sĩ qua đường tu tiên gì đó, trái lại có chỗ đi.

Tu thành, là mộ phần tổ tiên Trình gia gặp được vận lớn, tu không thành cũng chẳng sao, để nó theo người khác đi phiêu bạt giang hồ cũng tốt, giả danh lừa bịp cũng được, có cơm ăn, có thể trưởng thành, coi như lối thoát.

Mộc Xuân chân nhân và Trình gia chủ ếch ngồi đáy giếng có qua có lại, rất nhanh đã bàn xong giá ‘bán’, chân nhân để lại một nén bạc vụn, bọn họ một tay giao tiền, một tay giao người. Trình Nhị Lang từ nay về sau đổi tên Trình Tiềm, chiều tối hôm đó, nó cắt đứt trần duyên, theo sư phụ lên đường.

Đại Lang hơn nhị đệ vài tuổi, bình thường ở chung chẳng có chuyện gì nói, lại chẳng thân mật, có điều nhị đệ hiểu chuyện, không khóc không nháo, cũng không gây chuyện phiền toái, quần áo là đồ thừa của đại ca, thức ăn cũng nhường bớt cho đệ đệ và người mẹ ốm đau, chỉ có làm việc là xông xáo dẫn đầu, chưa từng oán thán.

Đại Lang ngoài miệng không nói, trong lòng rất yêu thương đệ đệ này.

Hết cách rồi, nhà nghèo, nuôi không nổi, còn chưa tới lượt Trình Đại Lang đứng ra đính môn lập hộ, chuyện lớn chuyện nhỏ không phải do hắn quyết định.

Thế nào đi nữa, cũng là máu mủ, nói bán liền bán sao?

Đại Lang càng nghĩ càng tức, trong lòng muốn đem lão bịp bợm kia ra chôn sống, suy đi nghĩ lại, cuối cùng không dám —— như đã nói qua, nếu hắn thật có sự quyết đoán này, cũng không theo người ta học nghề, cứ vào nhà cướp của chẳng phải tiền tài như nước?

Đối với toan tính của cha mẹ và ấm ức của đại ca, Trình Tiềm nào phải hài tử vô tri ngây thơ.

Nó không tính là thông minh, cái gì mà bảy tuổi làm thơ, mười ba tuổi xưng tụng thần đồng với không tới, chỉ một đầu óc bình thường.

Cha đi sớm về khuya, đại ca một nắng hai sương, trong mắt mẹ chỉ có đại ca và tiểu đệ, sót lại nó. Tuy ở Trình gia chẳng ai đánh mắng, nhưng không coi nó ra gì. Những thứ này Trình Tiềm biết rõ, trời sinh nó cũng biết điều, không ồn ào khiến người ta ghét, từ lúc chào đời đến nay, chuyện quá nhất chính là trèo lên cây đại thụ nhà lão đồng sinh, nghe lén sách thánh hiền diễn đạt chưa thông.

Nó thận trọng, cần mẫn, đem mình làm kẻ hầu, người ở trong nhà —— chỉ không làm nhi tử.

Trình Tiềm không biết làm nhi tử có mùi vị gì.

Tiểu hài tử vốn nên lắm lời, trên chạy dưới nhảy, nhưng Trình Tiềm không phải nhi tử, dĩ nhiên không có đặc quyền lắm miệng hay nghịch ngợm, trong lòng có chuyện gì đều chịu đựng không nói, cứ thế, lời muốn nói không thể nói ra, đành đem mũi nhọn chỉa vào trong, làm một tiểu hài tử với trái tim ghồ ghề trong ngực.

Trong lòng Trình Tiềm biết, cha mẹ đem bán nó, ấy vậy mà yên lặng đến kỳ dị, cứ như đã đoán trước ngày này.

Trước khi đi, người mẹ ốm yếu của Trình Tiềm phá lệ xuống giường, run rẩy gọi nó lại, vành mắt đo đỏ kín đáo đưa cho nó một cái gói nhỏ, bên trong là vài bộ quần áo để thay đổi và một chục bánh bột ngô. Quần áo không cần phải nói, vẫn là sửa lại của đại ca, bánh do cha nó làm suốt đêm hôm trước.

Dù sao cũng là miếng thịt trên người mình rứt ra, mẹ nhìn nó, kìm không được đưa tay vào trong tay áo lục tìm, Trình Tiềm thấy bà run run lấy ra một xâu tiền đồng. Xâu tiền lồi lõm, tối màu làm sâu trong cõi lòng lạnh lùng của Trình Tiềm nhói lên một cái, nó như con thú nhỏ lạnh cóng, giữa trời đông rét mướt, chóp mũi nhỏ bé ngửi được một chút mùi của mẹ.

Xâu tiền bị cha nó nhìn thấy, ông đến gần ho khan một tiếng, mẹ nó không thể làm gì khác đành nuốt lệ cất xâu tiền lại.



Vì vậy, mùi của mẹ như hoa trong gương, trăng trong nước, chập chờn một chút, chưa kịp để Trình Tiềm ngửi rõ ràng đã tan thành mây khói.

“Nhị lang lại đây,” cái người không có mùi mẹ kia nắm tay Trình Tiềm, dẫn nó vào buồng, mới đi hai bước đã thở hổn hển.

Bà mệt mỏi tìm một cái ghế đẩu ngồi xuống, chỉ vào ngọn đèn nhỏ treo trên nóc nhà, yếu ớt hỏi: “Nhị Lang, con biết đó là gì không?”

Trình Tiềm hờ hững ngẩng đầu nhìn: “Đèn chong của tiên nhân.”

Ngọn đèn nhỏ hình thù chẳng đặc biệt này, là bảo vật gia truyền của Trình gia. Tương truyền là của hồi môn của bà cố nội Trình Tiềm, lớn chừng bàn tay, không có bấc, không cần dầu, trên cái đế bằng gỗ mun xưa cũ có khắc mấy dòng phù chú. Nó tự chiếu sáng được cả một thước vuông rất lâu.

Nhưng Trình Tiềm không nghĩ ra, cái thứ đồ chơi tồi tàn này treo ở đây, ngoại trừ mùa hè gọi sâu tới còn có công dụng gì?

Chẳng qua mang tiếng tiên khí rồi, không cần có công dụng gì thực tế, chỉ cần hàng xóm láng giềng sang chơi, lấy ra khoe chút chút, đối với hương dã thôn phu mà nói, chính là bảo bối lợi hại truyền tận mấy đời.

Cái ‘tiên khí’ được ‘tiên nhân’ khắc phù chú gì đó, phàm phu tục tử bắt chước không được —— phẩm loại tiên khí rất nhiều, công dụng càng phong phú, tỷ như đèn không cần dầu, giấy không sợ lửa, giường đông ấm hạ mát vân vân, còn nhiều lắm.

Trước đây, có một tiên sinh kể chuyện giang hồ đi ngang cửa thôn, nói trong đại thành phồn hoa dùng ‘gạch tiên nhân’ xây thành, mặt trời chiếu vào như dát lưu ly, xanh vàng rực rỡ giống như hoàng cung, bát ăn cơm nhà giàu bên ngoài được tiên nhân cao cấp viết phù chú, có thể ngừa bách độc, trừ bách bệnh, một mảnh sứ vỡ đã bốn lượng vàng, thế mà người ta vẫn tranh mua không ngớt.

“Tiên nhân”, cũng chính là “Người tu chân”, còn xưng là “Đạo nhân” hoặc “Chân nhân” —— cái trước bình thường là tự xưng, nghe hơi khiêm tốn hơn chút ít.

Có người nói bọn họ dẫn khí nhập thể, câu thông thiên địa làm nhập môn, tu vi cao hơn còn có thể ích cốc không ăn, lên trời xuống đất, thậm chí trường sinh bất lão, độ kiếp thành tiên… Các loại truyền thuyết này lưu truyền rất rộng, nhưng tiên nhân thật sự mấy cái mũi mấy con mắt, chưa ai từng thấy qua, lúc nghe lại rất kỳ diệu.

Các tiên nhân rày đây mai đó, tiên khí ngàn vàng khó có, các đại quan quý nhân chạy theo như vịt.

Trình gia nương tử cúi người, đau buồn nhìn Trình Tiềm, gần như lấy lòng hỏi: “Chờ Nhị Lang học xong trở về, cũng làm cho mẹ một cái đèn chong được không?”

Trình Tiềm không trả lời, chỉ nhấc mí mắt nhìn bà một cái, trong lòng nguội lạnh thầm nghĩ: “Hay thật, ngày hôm nay đuổi ta ra khỏi nhà, sau này mặc kệ học thành hay không, sống hay chết, là heo là chó, ta cũng không trở về nhìn mấy người một cái.”

Trình gia nương tử chợt ngẩn ra, bà phát hiện đứa trẻ này không giống cha mẹ, trái lại có phần giống hình bóng đại ca bà.

Đại ca bà như một làn khói xanh bốc lên từ mộ phần tổ tiên. Từ nhỏ đã không giống con nhà nông, lớn lên mi mục như hoạ, phụ mẫu táng gia bại sản cho y đọc sách, y cũng chẳng chịu thua kém, mười một tuổi đã thi đậu tú tài, ai cũng nói sao Văn Khúc hạ xuống nhà bà.

Nhưng sao Văn Khúc này không muốn ở lại nhân gian quá lâu, còn chưa kịp thi đậu cử nhân, mắc bệnh rồi chết thẳng cẳng.

Lúc đại ca chết, bà còn nhỏ, ấn tượng mơ hồ. Bây giờ đột nhiên nhớ lại, lúc người kia còn tại thế, cũng là thế này. Mặc kệ trong lòng có bao nhiêu lửa giận, y cũng hời hợt liếc mắt như thế, dè dặt đến độ thản nhiên, khiến lòng người sợ hãi, không muốn thân cận.

Trình gia nương tử vô tình buông lỏng bàn tay Trình Tiềm, đồng thời Trình Tiềm cũng im lặng lui về sau nửa bước.

Nó cứ vậy, ngoan ngoãn không thốt ra lời nào, kết thúc màn sinh ly tử biệt của hai mẹ con.

Trình Tiềm tự biết việc làm của mình không phải xuất phát từ oán hận, oán hận vô lý —— cha mẹ nó có công sinh thành và nuôi dưỡng, cho dù nửa chừng dang dở, nuôi một nửa rồi không cần nó nữa, thì coi như lấy ưu bù khuyết.

Nó cúi đầu nhìn mũi chân mình, tự nhủ, trong mắt cha mẹ không có nó, không sao. Bán nó cho một đạo sĩ mắt tam giác thì đã sao.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Sau