Lục Hào

Chương 2: Chương 2

Trước Sau
Biên tập: Keikan

Trình Tiềm theo Mộc Xuân chân nhân đi.

Mộc Xuân chân nhân thân hình tiều tuỵ, gầy đến độ ba cây chập một, trên đầu còn đội một cái mũ lung lay sắp đổ, một tay dẫn Trình Tiềm, giống như chủ gánh giang hồ mãi nghệ vùng sơn dã dắt theo một tên lâu la.

Trình Tiềm bề ngoài trẻ em mang trong mình tấm lòng niên thiếu.

Nó đi rất lặng lẽ, cuối cùng nhịn không được quay đầu nhìn thoáng qua.

Nó thấy mẹ địu một cái gùi trên lưng, trong gùi là tiểu đệ đang say ngủ, mẹ nó khóc sướt mướt, khuôn mặt mờ nhạt. Cha nó cúi đầu đứng ở một bên, không biết là thở dài hay áy náy, hay là không muốn ngẩng đầu nhìn nó, như một cái bóng tiu ngỉu.

Trình Tiềm không lưu luyến thu hồi ánh mắt. Con đường phía trước chìm trong bóng tối vô hạn, đôi tay khô gầy của sư phụ nó đang nắm, giống như ngọn đèn gia truyền của Trình gia —— ngay cả khi trâng tráo thêm hai chữ ‘tiên nhân’ vào, nó chỉ có thể soi sáng được một tấc vuông đất, nhìn được chứ dùng không được.

Thông thường đi xa có hai loại, một là ‘du lịch’, một loại khác là ‘chạy loạn’.

Trình Tiềm theo sư phụ, đừng nói màn trời chiếu đất, còn bị ông tra tấn hai lỗ tai bằng mấy cái thuyết lung tung xằng bậy, ngay cả ‘chạy loạn’ cũng không xứng.

Nói đến tu tiên cầu đạo, Trình Tiềm có nghe qua.

Nhân thế viễn vông, người muốn thăm hỏi tiên môn, có dạo như cá diếc qua sông.

Vào thời tiên đế, khắp phố phường đều có môn phái lớn nhỏ như cóc nhái bên sông sau mưa. Nào là trương tam lý tứ Vương nhị mặt rỗ, chỉ cần con cháu trai trong nhà, tất cả đều như ong vỡ tổ, đưa đến các môn phái cầu tiên vấn đạo, học một ít kỹ năng các loại gì mà ‘ngực trần đập đá’, ngoài mấy cái này ra, cũng không thấy ai thật sự tìm được manh mối gì. (‘Hung khẩu toái đại thạch’, là kiểu mãi võ mà để ngực trần rồi đập đá)

Lúc đó, người luyện đan so với nấu cơm còn nhiều hơn, người tụng kinh nhiều hơn người làm ruộng. Thậm chí có năm chẳng ai chịu đọc sách tập võ đàng hoàng, khiến bọn giang hồ bịp bợm khắp nơi rối bời.

Có người nói cầu tiên vấn đạo quan trọng nhất là thời gian, một huyện khoảng mười dặm tám thôn, từ đông sang tây, môn phái tu tiên san sát chừng hai mươi cái. Từ tiểu thương đến bán hàng rong đều mua một quyển tâm pháp chó má không mới không cũ, cả gan dùng chiêu bài tu tiên để vơ vét của cải người khác.

Những người này nếu thật đều có thể phi thăng lên trời, chẳng biết Nam Thiên môn có chứa đủ hết đám mèo chó này không.

Ngay cả sơn tặc thổ phỉ vào nhà cướp của cũng muốn theo phong trào. Đem bản gốc ‘Hắc Hổ trại’ ‘Ngạ Lang bang’ đổi tên thành cái gì mà ‘Thanh Phong quan’, ‘Huyền Tâm quán’, lại làm thêm một ít ‘Chảo dầu lấy vật’ ‘Há miệng phun lửa’ đủ loại ảo thuật. Cướp đường trước hết phải biểu diễn một phen, hù người đi đường đến mức vui vẻ mở hầu bao.

Tiên đế xuất thân trong quân ngũ, là người thô lỗ nóng nảy, cảm thấy dân chúng nếu tiếp tục sa vào nơi chướng khí mù mịt này, nước không ra nước. Vì vậy hạ một đạo chỉ dụ, bắt hết các ‘thần tiên’ lớn nhỏ lộng hành ở quê, mặc kệ tiên thật hay tiên giả, đem xung quân ráo.

Cái chỉ dụ kinh thiên động địa này còn chưa kịp ra cửa cung, trọng thần trong triều đều nghe được tin tức, đám người có liên can sợ đến hồn phi phách tán, suốt đêm cứ lăn lộn trong chăn, chạy đến trước đại điện xếp hàng —— quan nhỏ phía trước, quan lớn phía sau, chuẩn bị đâm đầu vào cột trên đại điện, thề chết khuyên can, lo hoàng thượng đắc tội tiên nhân mà mất ngai vàng.

Hoàng thượng không nỡ để văn võ bá quan cả triều thật sự máu chảy đầu rơi, vả lại bàn long trụ kia chắc gì chịu nổi.

Tiên đế không thể làm gì khác ngoài thu lại mệnh lệnh đã ban ra. Ngày kế, y còn lệnh cho khâm thiên giám (Cơ quan trông nom về thiên văn và việc làm lịch của các triều đình phong kiến) phân ra một cái ‘Thiên Diễn Xử’ lệnh cho thái sử trực tiếp giám thị, quanh co lòng vòng mời mấy chân nhân thứ thiệt đến toạ trấn. Quy định từ nay về sau các tiên môn lớn nhỏ, đều phải báo lên và trải qua xác định của Thiên Diễn Xử, sau khi xác định thật rõ mới ban cho thiết quyển, có thể thu nhận đệ tử, cấm các môn phái tư nhân dân gian.

Đương nhiên, Cửu Châu mênh mông ngang dọc, ngàn dặm đông tây, nam bắc không thông, muốn kỷ luật nghiêm minh căn bản là không thể nào, pháp lệnh cứng nhắc còn có thể luồn lách, đừng nói đến cái loại chính lệnh chó má kém cỏi không đâu này.

Triều đình ngay cả cướp đường buôn người đều tra không rõ, đâu thèm ngó thử tiên môn có khai đệ tử không?

Tiên môn chân chính căn bản không để lão nhi* hoàng thượng vào trong mắt, cái gì nên làm thì làm. Bọn giang hồ bịp bợm chột dạ thì biến mất bớt, nhưng biến cũng không nhiều —— Thiết hay đồng gì đó cũng không phải đều giả được sao.



(lão nhi mình tra được là một loại bệnh lão hoá sớm =))) chắc ám chỉ hoàng thượng sống không lâu bằng tiên nhân)

Song khổ tâm của tiên đế cũng không tính là công cốc. Trải qua ba lần bốn lượt lăn tới lăn lui, thanh tra, chỉnh đốn, tuy hiệu quả nhỏ nhưng đem nhiệt tình tu tiên trong dân gian giảm đi nhiều. Cộng thêm ở thôn quê xa xôi, đâu ai nghe nói đến tu chân có thành quả gì, thời gian lâu dần, đại gia cũng trồng trọt ôi trồng trọt, chăn dê ôi chăn dê, không còn mơ mộng hão huyền nữa.

Đến hoàng thượng tại vị, thị hiếu tu tiên trong dân gian đã thoi thóp, say mê rồi cũng tỉnh. Thánh thượng biết rõ nước quá trong ắt không có cá, đối với chuyện lừa gạt tu tiên này nọ, đại khái mắt nhắm mắt mở, dân không cử quan không xét.

Những tiền căn hậu quả này, Trình Tiềm nghe lão sinh nói qua một lần. Bởi vậy trong mắt nó, cây chày gỗ đang nắm tay nó đích thực là một cây chày gỗ không hơn không kém… Cùng lắm là cây chày gỗ lo chuyện cơm nước, không có gì để đặc biệt kính trọng.

Mộc Xuân chày gỗ vuốt vuốt chòm ria mép lưa thưa, tán hươu tán vượn: “Phái ta tên là ‘Phù Dao’, đồ nhi, con biết cái gì gọi là Phù Dao không?”

Lão sinh đối với mấy thứ này căm thù đến tận xương tuỷ, tất nhiên không chịu nói. Trình Tiềm trí thức vỡ lòng, ít nhiều bị ảnh hưởng, trong lòng tràn đầy khinh thường, miễn cưỡng tỏ ra vẻ chăm chú lắng nghe.

Mộc Xuân chỉ một ngón tay trước mặt Trình Tiềm, một ngón tay này của ông như mang theo gì đó linh thông, khắp nơi đột nhiên nổi gió lốc khó hiểu, xoáy tròn, cuốn cỏ khô trên mặt đất bay lên, còn có một phiến lá khô vàng, bị một đạo thiểm điện chiếu vào, cơ hồ chói đến hoa mắt Trình Tiềm. (Phù Dao là gió lốc)

Một ngón tay quái lực đến loạn thần khiến tiểu thiếu niên há hốc mồm nhìn.

Chính Mộc Xuân cũng không ngờ được biến cố này, ngay tức khắc sửng sốt, nhưng thấy mình hù được nhóc con lãnh đạm này, bèn mượn sườn núi xuống lừa (lợi dụng điều kiện có lợi để hành sự) mà rút tay về.

Y giấu đôi tay khô gầy vào trong ống tay áo, thản nhiên khoe khoang: “Bằng chi tỷ vu nam minh dã, thủy kích tam thiên lý, đoàn phù diêu nhi thượng giả cửu vạn lý, khứ dĩ lục nguyệt tức giả dã * —— không có hình dạng, không bị trói buộc, lướt theo gió, đến cả nước sâu hay bay đến vô tận, chính là ‘Phù Dao’, con hiểu chưa?”

(*) Trích trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử: Tề Hải, sách chép các việc kỳ quái nói: chim Bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió lốc mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ.

Đương nhiên Trình Tiềm nghe không hiểu, trong lồng ngực nhỏ nhỏ của nó, sự kính nể với mấy loại sức mạnh không rõ và bàng môn tả đạo không cho là đúng cứ rối lại, khó bỏ khó phân. Cuối cùng nó quyết định kính nể vị sư phụ không cho là đúng này, đem Mộc Xuân với cái đèn rách nát ở nhà cùng một vị trí, ngây thơ gật đầu.

Mộc Xuân đắc ý vểnh ria mép, đang muốn mượn cớ phát huy thêm chút, ai biết lão thiên gia không chịu cho ông thêm chút mặt mũi. Miệng chưa kịp mở lần hai, vẻ khoác lác vừa rồi rơi mất —— sau tiếng sấm là một trận gió to hung hăng thổi tới, đem hăng hái của hai thầy trò thổi thành một mớ tro nguội. Sau đó là cuồng phong gào thét, sấm chớp cùng nhau đánh tới, gọi sắc trời đen thui từ phía tây đến.

Mộc Xuân chẳng màng giả thần giả quỷ nữa, la to một tiếng: “Không hay, có mưa to.”

Nói xong, ông nhảy lên một tay xách hành lý, tay kia xách Trình Tiềm, dùng đôi chân như hai cây sậy, giống cái cổ dài của mấy con gà rừng, lật đà lật đật chạy trối chết.

Tiếc là mưa quá nhanh, cho dù là gà cổ dài cũng không thoát được số phận bị ướt như chuột lột.

Mộc Xuân nhét Trình Tiềm vào trong ngực, cởi ngoại sam nháy mắt đã ướt sũng, có còn hơn không để che cho đứa trẻ trong lòng, lao như điên trong mưa, còn hô to gọi nhỏ: “Ai, xui quá, mưa lớn thế này, èo, chạy đâu trốn đây?”

Cả đời Trình Tiềm thấy qua vô số chim chóc, thú vật chạy bộ —— có lẽ đây là con xóc nảy nhất, lải nhải nhất.

Tiếng gió mưa sấm sét cùng tiếng ồn ào của sư phụ trộn lại một chỗ, trên đầu nó là áo choàng của sư phụ, hai mắt tối đen, chỉ ngửi được mùi gỗ thơm mát không rõ là gì trên ống tay áo người.

Một tay sư phụ đang ôm trước ngực nó, tay còn lại cứ lo che đầu Trình Tiềm. Lão già gầy trơ xương đến mức khiến nó phát đau, nhưng sự ôm ấp và bảo vệ này đều là thứ thiệt.

Mặc dù mấy lời khoác lác của cái cổ gà dài ngoằn này đã bị nó biết, nhưng Trình Tiềm lại cảm thấy gần gũi một cách tự nhiên với người này.

Trình Tiềm trùm áo khoác của Mộc Xuân, lặng lẽ dòm qua kẽ hở thấy sư phụ ướt đẫm trong màn mưa. Từ lúc chào đời đến nay, lần đầu nó được hưởng thụ đãi ngộ của một đứa trẻ đáng có. Trong giây phút ấy, nó cam tâm tình nguyện thừa nhận sư phụ, đồng thời quyết định —— cho dù vị sư phụ này miệng đầy mấy lời thúi hoắc, một bụng bàng môn tả đạo, nó cũng tha thứ.

Trình Tiềm ngồi trong lòng sư phụ gầy trơ xương, ướt sũng trú vào một đạo quán rách nát.



Trong thời gian thi hành quy mô ‘Thanh đạo’ của tiên đế đã dọn dẹp rất nhiều môn phái trái phép, nhờ vậy để lại không ít đạo quán của mấy môn phái này. Sau đều trở thành nơi cho bọn trẻ ăn mày không nhà và các lữ khách tá túc tạm.

Trình Tiềm thò cái đầu nhỏ ra khỏi áo khoác của Mộc Xuân, vừa ngẩng đầu đã chạm ngay mắt đại tiên được thờ trong đạo quán, bị đại tiên bằng bùn này làm cho hết hồn —— vị kia trên đầu có hai búi tóc, mặt tròn không thấy cổ, tỏ vẻ hung dữ, hai bên gò má còn có hai vòng đỏ bừng, cái miệng ở dưới há to như chậu máu, lộ ra một hàm răng so le.

Sư phụ tất nhiên cũng nhìn thấy, vội vàng che mắt Trình Tiềm, giận dữ trách: “Áo hồng ở trong, áo bào xanh biếc ngoài, ôi, bộ trang phục dâm tà như vậy mà không biết xấu hổ còn đem đi thờ, nực cười!”

Trình Tiềm còn nhỏ kiến thức có hạn, vừa không hiểu nguyên do, vừa thấy sợ sợ.

Mộc Xuân chính nghĩa nói: “Người tu chân thanh tâm quả dục, luôn luôn chú ý lời nói và việc làm, trang phục cứ như mấy kẻ hát xướng, còn ra thể thống gì!”

Ông còn biết cái gì gọi là thể thống… Trình Tiềm phải lau mắt mà nhìn mới được.

Lúc này, một mùi thịt thoang thoảng từ phía sau đạo quán đổ nát bay tới, cắt đứt ‘thanh tâm quả dục’ của sư phụ đang giận đời.

Mộc Xuân không tự chủ nuốt cái ực, nhất thời im luôn. Vẻ mặt cổ quái của ông khiến Trình Tiềm dời mắt ra phía sau bức tượng dâm tà, nhìn thấy một nhóc ăn mày lớn hơn Trình Tiềm một hai tuổi là cùng.

Nhóc ăn mày này chẳng biết dùng dụng cụ gì, phía sau đạo quán đào ra một cái hốc, bên trong đang nướng một con gà ăn mày* to mọng, nhóc mới tách lớp bùn ra, mùi thơm ngập tràn không khí.

(*) gà ăn mày (khiếu hoa kế): Là một món ăn nổi tiếng ở vùng Giang Nam, vốn là một món ăn thông dụng ở Giang Tô, thuộc về ẩm thực Chiết Giang. Món này làm từ gà, bọc lá sen và đất sét rồi nướng, khi chín có màu vàng ươm, hương thơm xông vào mũi, sớ thịt chín mềm, phù hợp ăn khi dã ngoại.

Mộc Xuân lại nuốt nước miếng.

Một người nếu quá mức gầy nhom gặp phải tình cảnh này, có một số việc sẽ bất tiện. Ví dụ khi thèm ăn, cái cổ như cái nắm tay không dễ gì giấu được phản ứng bản năng.

Mộc Xuân chân nhân thả Trình Tiềm xuống đất, tiện thể biểu diễn cho tiểu đồ đệ một phen thế nào là ‘Người tu đạo luôn luôn phải chú ý lời nói và việc làm’.

Trước hết ông vuốt mấy giọt nước trên mặt xuống, bày nụ cười tiên phong đạo cốt của cao nhân ra, sau đó mới cất bước trái lắc phải lư như mỗi bước nẩy một bông sen tới gần nhóc ăn mày. Ngay trước mặt Trình Tiềm, chậm rãi mà nói một đống hoa ngôn xảo ngữ thao thao bất tuyệt, miêu tả tiên môn đi giày bằng vàng bạc, ăn no mặc ấm, nói một hồi làm nhóc ăn mày trợn cả hai mắt.

Mộc Xuân nhiệt tình lừa nhóc ăn mày đầu to người nhỏ: “Ta thấy con tư chất hơn người, tương lai có thể đằng thiên tiềm uyên, không chừng còn có phúc phần lớn —— hài tử, con họ gì tên chi?”

Trình Tiềm thấy những lời này hơi quen tai.

Nhóc ăn mày tuy có chút xảo quyệt khi lưu lạc khắp nơi, dù sao tuổi còn nhỏ, rõ ràng bị sư phụ lừa dối đến nước mũi hai hàng, ngây ngô ngẩn ngơ đáp: “Tiểu Hổ, không biết họ gì.”

“Vậy theo họ Hàn của vi sư đi.” Mộc Xuân vuốt chòm râu dê, trơn tru xác định danh phận thầy trò với người ta, “Để vi sư ban cho con một cái tên —— tên một chữ Uyên, có được không?”

Trình Tiềm: “… …”

Hàn Uyên, hàm oan… Đúng là vừa may mắn vừa đáng mừng.*

Sư phụ chắc đói đến hồ đồ, đối với con gà ăn mày da vàng thịt dầy mới lựa lời không tốt.

(*) Hàn Uyên và hàm oan đồng âm.

[Kei]: Hiện tại mình đang rà lại chính tả cho truyện, nhưng đêm đã khuya không đăng thêm được. Hẹn mọi người sáng mai, là có mấy chục chương đọc chơi. Hehe

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau