99 Cách Sống Cùng Ông Chồng Khó Ở

Chương 23: Vẻ gian ác chợt lóe lên trong đôi mắt

Trước Sau
Edit: Hề Mặc

Đang nói, sau gã, Sư Tam gia đã thu cương, ngồi thẳng mình. Đoạn, anh trỏ vào chú ngựa mình đang cưỡi, rằng: "Nhưng tôi đã lên ngựa rồi mà."

Từ Bác Nhã quay đầu: "..."

Chàng quản lý vừa cười vừa nói: "Anh Từ này, ban nãy không phải anh em mình đã dặn nhau hết rồi hay sao ạ? Chẳng phải anh bảo sẽ để em đưa..."

Từ Bác Nhã mỉm cười: "Em à, tất thảy mọi thứ trên thế giới này đều đang đổi thay theo từng giây phút; kẻ không biết biến báo, xuôi theo dòng phát triển sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát đấy!"

Chàng trai: "..."

Sư Tam gia đồng tình: "Phát triển lịch sử quan chính xác!"

Chàng quản lý + Từ Bác Nhã: "..." Anh có biết tụi tôi đang tranh nhau cái gì không hả?

Chàng thanh niên: "Thế giờ mình có cần em dẫn ngựa cho anh Sư nữa không ạ?"

"Dẫn ngựa? Không phải đấy là trách nhiệm của nhân viên hay sao? Vả, có để dẫn, cậu ta cũng chẳng nhân cơ xơ múi được gì mảy may..." - Từ Bác Nhã thoáng im lặng một chốc, đoạn thầm quyết định.

Rồi, gã vứt đoạn cương lại cho chàng thanh niên, mình cười khẩy, nói: "Đấy là nhiệm vụ của em, dĩ nhiên! Thế còn phải hỏi cơ à? Về tôi, chắc chắn tôi sẽ cưỡi ngựa thôi rồi, chứ cứ đi chậm rì rì thế, bảo cưỡi ngựa nghe sao được?" Nói đoạn, gã dứt khoát quay mình.

Chẳng cần anh phải nói, chàng quản lý kia đã tự giác bước đến, đứng về kề Sư Tam gia. Đoạn, vuốt ve chú ngựa màu mận chín cao lớn, cậu ngẩng đầu, cười để lộ đôi hàm trắng tinh tươm: "Vậy giờ để em dắt ngựa giúp anh nhé, anh Sư. A, không đúng," Nghĩ đến cái nhiệt tình mình nãy giờ, cậu giải thích: "Em gọi anh là Sư Tam gia được không ạ? Anh ơi, chắc anh không biết chứ em là người hâm mộ anh đấy anh! Trong cuộc thi thẩm định kỳ trước, em đã có cơ hội được có mặt, quan sát anh thi đấu từ xa. Ôi anh đó thật quá tuyệt vời! Đến nỗi, về nhà, em phải mở video xem đi xem lại rất rất nhiều lần; rồi các cụ trong viện, ai cũng ngợi khen anh quả tay tài chân chính đấy ạ!"

Sư Tam gia kinh ngạc, nhướn mày. Ôi, ngờ đâu được chuyện trùng hợp đến nhường vẫn còn tồn tại trên thế gian! Rồi, lập tức, con tim anh như sôi lên nỗi xúc động ngỡ gặp bạn cũ nơi chốn đất khách quê người; để khi nghe ngợi về ngón nghề bản thân vẫn hằng lấy làm đắc ý, anh cũng cười, đoạn ôn tồn hỏi: "Ồ? Chàng thanh niên, chẳng cậu cũng quan tâm đến ngành thẩm định này hay sao?"

Nghe thế, cậu ta bèn gật đầu lia lịa, đoạn hào hứng liến thoắng chẳng ngừng: "Vâng anh, thường em cũng hay đi khắp nơi "săn báu" và được món bảo bối là... balabala..."

Bao lời hai kẻ chuyện trò nương gió, cuốn đến, truyền vào tai Từ Bác Nhã chẳng sót một chữ; để rồi khi đôi chân ai mới bước vài ba bước, vành tai gã ta đã giật giật, đoạn ngoắt đầu phi về ngay tắp như lửa phải đến mông.

Từ Bác Nhã giận sùi bọt mép. Cmn, hóa ra quan hệ hai kẻ kia còn "thân thiết" đến thế cơ à? Thảo nào, thảo nào lạ sao thằng đó lại cố ý đặt tay chỗ gian xảo thế! Haha, cứ mấp mé động chạm người của tao đi, để xem tao xé xác đôi uyên ương chúng mày như nào!

Từ Bác Nhã đành nghiến răng nghiến lợi bay về, chen ngang đôi người hãy đương chuyện trò sôi nổi. Đoạn, gã vươn giằng lấy đoạn cương trong tay chàng thanh niên, trỏ đằng phòng nghỉ phía trước, lạnh lùng: "Thôi, để cậu tôi dẫn giúp Sư Tam gia cho được, em hãy đến đấy tắm rửa, ngủ sớm đi."

Cậu ta sững sốt: "Nhưng thưa anh ơi, đây là nhiệm vụ của em cơ mà."

Từ Bác Nhã đáp bâng quơ: "Rồi cậu tôi cũng thích dẫn ngựa giúp Tam gia đấy, sao? Không được chắc?"

Thế, các gã phú nhị đứng bên ai cũng phải chặc lưỡi, kinh ngạc.

"Ngờ đâu, ngờ đâu được. Này, anh Triệu, anh nói coi, lẽ nào đây chính là "ninh vi quân tử khiên mã trụy đặng, bất dữ tiểu nhân đề linh trường trí"* trong truyền thuyết?"

(*)Ninh vi quân tử khiên mã trụy đặng, bất dữ tiểu nhân đề linh trường trí (宁为君子牵马坠蹬, 不与小人提灵长智): Nguyền dà nâng gót, dắt ngựa đưa người quân tử; chẳng lòng thương mưu, hiến trí vào kẻ tiểu nhân (nghĩa đen)/chim khôn lựa cành mà đậu (nghĩa bóng). Ở đây, trong trường hợp này, câu nói được hiểu theo nghĩa đen.

Cậu Triệu giật mình, hoảng hốt: "Ôi vcl, anh Tiền, nhẽ anh con nhà nòi trí thức mà ra đấy phỏng?"

"Tiền Hung" chắp tay, đoạn khiêm tốn đáp: "Nào có, nào có. Kẻ hèn này si đọc sách hai mươi năm có chửng, dạ thày cũng chỉ tường chút chữ nghĩa, thi văn."

Đằng bên đây, cậu trẻ kia hãy còn mong được tranh thủ sấn sát nói chuyện cùng thần tượng: "Nhưng chẳng hôm nay anh đến này đặng được cưỡi ngựa hay sao ạ? Ôi, anh ơi, dẫn cương đi thật chậm lắm, bảo cưỡi ngựa nghe sao được? Mất vui anh ạ."



Cái thằng chết dẫm này lại dám chặn họng gã bằng chính lời gã nói cơ à? Chết tiệt! Thằng đó, dạ lòng đã rõ như trời ban trưa; quả nhiên chẳng được ý tứ tốt lành gì sất! Đã thế, hãy xem cậu đây vạch trần thứ gian tà, méo mó mày thế nào đây!

"Hoặc không thì chớ, chẳng đã làm, sao thể để dở dang." - Từ Bác Nhã dứt khoát quấn đoạn cương quanh tay, đoạn khoanh tay, giở giọng đùa bỡn, bất chấp như thằng du côn: "Thế giờ cậu đây cứ thích đi từ từ thế đấy, sao? Không phục à?"

Chàng quản lý hơi khó xử. Lập tức, cậu đưa mắt sang nhìn Sư Tam gia, đặng cầu cứu.

Từ Bác Nhã thấy thế, bèn cười thầm khinh khỉnh trong bụng, nhạo cậu chẳng biết điều là chi. Đoạn, gã cũng đưa mắt nhìn sang anh, cười như chắc thắng: "Không phải hôm nay Tam gia đến tìm em có việc vàng gì hay sao ạ? Giờ hay hai anh em mình vừa đi vừa nói chuyện đi anh!"

Đôi ngươi Sư Tam gia chợt sáng lên ngời ngợi, đoạn anh tức thì gật đầu, đồng ý chẳng chút đắn đo.

Cuối cùng, Từ Bác Nhã cũng giành lại được đoạn cương kia, nom nét gã hăm hở rõ mồn một trên khuôn mặt. Đoạn, gã trỏ đằng một mảnh rừng xanh um, nhìn lũ bạn chí cốt mà bảo: "Chúng mày hãy cứ sang đấy cưỡi ngựa đi. Tam gia vừa tập cưỡi, để tao đưa anh ấy đi quanh ít vòng cho quen đã."

"Biết rồi!"

"Hiểu rồi!"

"Yên tâm!"

Nãy giờ, các cậu công tử Triệu, Tiễn, Tôn, Lý đứng sờ sờ bên thế, có ai không trông mồn một thảy cái trận Từ Bác Nhã "giành cương" với chàng quản lý kia. Lẽ đó, nay, khi nghe gã ta kiếm cớ đuổi các gã đi, nhẽ các gã còn chưa rõ rành hay sao? Khà khà, chả lại ưng né mặt các gã, bật mode "miễn làm phiền", đoạn núp lùm bụi cỏ làm "gì gì đó" đây mà! Ôi, ai mà chẳng hiểu!

"Hảo huynh đệ" không nhiều lời vô nghĩa, các gã lập tức giục cương, rút lui sạch sẽ.

...

Cuối xuân, một buổi sáng ấm áp, trong trẻo, một buổi sáng với mảnh đồng mênh mông trải, với màn trời thấp tựa bên người. Bên hồ. Tiếng vó ngựa "lộc cộc". Thảm cỏ xanh rì.

Lúc này đây, Sư Tam gia đang ngồi trên yên ngựa, tay cầm chắc lấy dây cương. Nghe hướng dẫn gì, anh làm theo răm rắp, từ kẹp đùi, gối thật chặt đặng ngồi vững trên yên ngựa, đến đặt bắp chân tiếp sát vào bụng ngựa. Bởi làm thế, dầu cơ thể có rung lắc theo bước ngựa đi đi chăng nữa, anh cũng tạm coi đã ngồi ổn định.

Và bấy giờ, Từ Bác Nhã hãy đang dẫn ngựa, đi trước anh. Gió mát nhẹ thoảng, lay khẽ chiếc cành, để vầng dương ấm, ôm lấy đôi người. Cảnh tượng êm đềm, đằm thắm đến khó tả.

Chậm bước một quãng, khi cái tình xốn xang, rạo rực nơi con tim đã dần lắng dịu, chợt lòng gã dưng hãy nảy nở chút hạnh phúc, sướng sung.

Từ Bác Nhã chưa một lần nghĩ tới, rằng: khi tất thảy chẳng có cái thức thách, mới mẻ kích thích lấy con người, chỉ đơn giản được cùng anh chung trên một quãng đường sánh bước, trái tim gã đã đắm say, an yên đến lạ lùng.

Để rồi giờ đây, trông họ thật giống những đôi tình nhân ngọt ngào ngoài kia - sát tựa bên nhau, tỉ tê tâm tình.

Tay nắm tay, cùng đi đến bạc đầu; chẳng cầu gì hơn thế.

Từ Bác Nhã hít thật sâu, đoạn ngoảnh đầu trông người trên lưng ngựa. Bỗng chợt, gã chẳng muốn chỉnh chọt gì anh nữa, lòng chỉ ngóng được thốt nên lời hỏi: chẳng Sư Tam gia có chịu làm hòa với gã hay không? Giờ đây, chỉ cần hai nhà anh gã kết thành thông gia, hỏi Sư gia hãy còn cái khăn khó nào xứng được gọi khó khăn?

Lúc bấy giờ, Sư Tam gia hãy đương ngẩng đầu, nhìn trời mà mình khoan khoái, thích chí đến vô cùng – bầu trời hôm nay sao mà xanh biếc thế, trong văng vắt chẳng một gợn mây vương. Đã từ nãy, đôi môi anh lúc nào cũng mỉm cười thật dịu. Để lúc này, khi cái nhìn của Từ Bác Nhã cứ mải xoáy sâu, chăm chú vào con người, dường như chút rung động, xao xuyến nào đấy cũng đã trỗi lên, nảy nở tận cõi lòng. Anh cúi đầu trông lại gã, nét dịu dàng ngỡ đang nhìn chú mèo cưng mà anh yêu quý – tiểu Hổ Ban.

Từ Bác Nhã chợt ngây ngẩn, rồi lập tức, niềm vui sướng cứ trào lên, chẳng thể dằn.

Lâu nay, chưa bao giờ Sư Tam gia nhìn gã như thế. Ôi, ánh mắt ấy, nhẽ nào cuối cùng anh cũng đã nghĩ thông suốt, phát hiện hóa mình cũng có tình cảm...

Từ Bác Nhã vội ghìm cương. Đoạn, gã bước đến đứng kề cạnh Sư Tam gia, mình ngẩng đầu nhìn anh tha thiết, nom thật tựa chú cún bé chờ chủ yếm âu vô cùng.

Sư Tam gia buông tiếng thở dài, nói: "Tiểu Từ à..."

"Tam gia, em đây!" Từ Bác Nhã vươn tay, ấp nhẹ tay mình lên mu bàn anh đang cầm cương ngựa. Mặt gã cứ đỏ gay gay, miệng thở hổn hà hổn hển, lồng ngựa phập phồng rất kịch. Gã nom tưởng sắp ngất lịm đi vì hạnh phúc.



Tiểu Từ? Đã bao lâu rồi Sư Tam gia không gọi gã như thế? Từ Bác Nhã chợt xúc động, nước mắt cứ ngấn đầy nơi khóe mắt. Cuối cùng, cuối cùng anh cũng nhớ em là tiểu Từ của anh, chứ không phải thằng "siêu biến thái" gì đó nữa!

Sư Tam gia cười.

"Giờ trông hai ta có giống...

"Giống! Giống..."

"... như đang đi Tây Thiên thỉnh kinh không?"

Từ Bác Nhã đờ mặt. Đoạn, gã như không thể tin vào tai mình, mở to mắt: "Hả?" Rồi, gã phản ứng hét lên: "Hả?!"

Sư Tam gia trỏ kiểu gã đứng anh ngồi, ngựa đang cưỡi: "Lần nào thấy ngựa, tôi cũng liên tưởng đến tiểu Bạch Long trong Tây Du Ký."

Từ Bác Nhã cúi đầu.

Gã hận tiểu Bạch Long!

"Ngồi như này mãi người cũng mệt, hay để tôi xuống ngựa đi tới đi lui cho thoải mái tí đã." – Sư Tam gia nói.

"Ừm." – Từ Bác Nhã buồn buồn. Lặng thinh một lúc, Từ Bác Nhã bổng ngẩng đầu thật mạnh, đoạn gã nhìn thẳng xoáy vào con người anh, hai mắt sáng như đèn pha ô tô.

"Đi tới đi lui? Nhẽ nào anh muốn, anh muốn...?!"

Sư Tam gia thoáng ngại ngùng: "À thì... tôi không biết xuống ngựa kiểu gì, chắc phải phiền cậu đỡ xuống cho."

"Không phiền đâu, không phiền đâu!" Được anh thừa nhận như đã đoán, lập tức, mặt mày gã rạng rỡ, vui vẻ đến vô cùng.

Nhẽ nào đây là hành động... CHỦ ĐỘNG ÔM ẤP trong truyền thuyết đây sao?!

Thật quá tuyệt vời!

"Vậy giờ tôi phải làm như nào đây? Trở người sang thế này à?" Sư Tam gia khua tay diễn tả: "Như trên TV phải không?"

Nãy giờ, Từ Bác Nhã đã một lòng một dạ vạch kế đặng được anh "ôm ấp" thế, sao giờ có thể để anh quẳng gã sang một bên, đoạn tự mình xuống ngựa cho được? Gã nắm thế biết Sư Tam gia rõ tay mơ chẳng biết gì.

Thế là, Từ Bác Nhã bèn ra bộ nghiêm túc nói xằng nói bậy: "Ôi, anh ơi, anh đừng để dăm ba bộ phim truyền hình trên TV lừa. Anh thấy đấy, phim ảnh hay bảo lúc người ta bị rắn độc cắn phải, phải có người hút nọc ra giúp, để rồi rành gây vạ cho lớp khán giả kém hiểu biết! Trong thực tế, hành động ấy sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả người bị hút lẫn người hút! Việc xuống ngựa cũng tương tự! Anh đừng trông mấy đứa diễn viên xuống ngựa nom phóng khoáng mà tưởng dễ, để được chuyên nghiệp thế họ phải luyện tập trong một khoảng thời gian rất rất dài. Thế, những người mới học như anh đây, mỗi lần xuống ngựa chỉ có thể để nhân viên đứng dưới đỡ giúp, nếu không mình dễ làm mấy con ngựa nhát gan hoảng sợ, rồi chúng lồng lên, chạy tán loạn. Anh đang xuống trượt chân, ngã ngựa có thể gặp những chấn thương như bong gân mắt cá chân, trẹo cột sống. Vả, nếu không may ngã gần chân sau ngựa đang trong tình trạng hoảng loạn, mình còn sẽ bị chúng giẫm phải nữa! Anh ạ, những sự cố như này xảy ra nhiều không kể xiết! Ôi, bao nhiêu người đã chết thảy tại mấy bộ phim truyền hình ác độc kia hết!"

Dầu chẳng hiểu gì sất, song Sư Tam gia vẫn thấy khá đỉnh: "Thì ra là thế! Vậy giờ cậu đỡ tôi kiểu gì?"

Từ Bác Nhã vờ vịt diễn tả như thật: "Giờ em đứng như này nhé. Đầu tiên, anh hãy xoay sang bên em đây, sau đó chống tay lên vai em đặng nương đó nhảy xuống đất."

Tin phục trước vốn hiểu biết sâu rộng của gã, Sư Tam gia đáp: "Ồ, tôi hiểu rồi. Tiểu Từ, cậu chuyên nghiệp quá!"

"Cũng sơ sơ thôi ạ." Từ Bác Nhã gãi gáy cười thơ ngây, nom vẻ thật thuần khiết đến vô cùng.

Rồi, gã quay lưng, nửa khuôn mặt kia đã chìm vào bóng tối. Khà khà, gã cười gian xảo, những chuyện sàm sỡ anh như này, lúc nào gã chẳng rành?

Số chữ: 2938

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau