Hô Hấp Lần Thứ Hai

Chương 10

Trước Sau


Chuyển ngữ: Andrew Pastel

9.

Vậy là cái câu hỏi tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng từ thuở nhỏ - lúc mẹ tôi bỏ nhà trốn đi, cha ruột tôi đang ở nơi nào - giờ đã có lời giải đáp. Lúc đó ông ta còn đang bận thi đại học ở Phù Châu.

"Tại sao lúc trước ông không nhận tôi?" Tôi lẳng lặng nhìn thẳng vào mặt ông.

Chung Viên không nói gì.

"Cho nên giờ tôi cũng không muốn nhận ông nữa." Giọng tôi lạnh băng, chẳng có bất kỳ cảm xúc gì, "Ông cút đi."

Tôi nghĩ nếu như mẹ tôi kịp để lại di ngôn, bà nhất định sẽ muốn tôi và ông ta nhận cha con, nhưng chuyện này rất tiếc tôi không thể làm được. Thậm chí tôi còn cảm thấy hơi giận người mẹ quá cố của tôi, tại sao cuối cùng rồi bà cũng có thể tha thứ cho một kẻ như Chung Viên cơ chứ, thậm chí còn tính toán sống chung với ông ta suốt quãng đời còn lại. Khi đó tôi đã tự nhủ với chính mình, gã đàn ông đã cướp đi tất cả của mẹ thì đừng mơ tưởng sẽ cướp luôn được con trai của bà.

Hôm hạ táng mẹ, Quách Nhất Thần cũng chịu khó đáp máy bay từ Vân Nam về dự tang, còn mang theo một vòng hoa thay mặt Trương Nguyên đang trong doanh trại không ra được lại đây. Mẹ tôi mất được vài hôm tôi mới gọi điện báo cho Quách Nhất Thần. Khi đó Quách Nhất Thần đã làm ăn rất khá, có chỗ đứng vững chắc ở Vân Nam. Chúng tôi đã nhiều năm không gặp mặt, nên Quách Nhất Thần tự mình đến viếng tang làm tôi rất cảm động. Lúc đến, Nhất Thần lái một chiếc Mercedes màu đen. Mấy năm không gặp, anh thay đổi khá nhiều. Râu tóc gọn gàng, mặc một bộ y phục nhà Đường (*), cổ tay đeo một vòng hạt ngọc, chân mang giày vải, như một vị Thánh sống. Vẻ ngoài của anh đã thanh tú sẵn, ăn mặc như vậy nhìn lại càng giống như một vị hòa thượng. Lúc xuống xe tôi phát hiện Nhất Thần đã gầy đi rất nhiều, mặt anh hốc hác hẳn ra, vẻ mặt lúc nào cũng cứ đượm buồn. Khi hũ tro cốt của mẹ tôi được chôn xuống lòng đất, Quách Nhất Thần bật khóc. Anh nói hồi còn ở nhà ngang, mẹ tôi đối xử tốt với bọn trẻ các anh nhất, anh với Trương Nguyên mỗi lúc rảnh rỗi là kéo nhau đến tiệm cơm của mẹ tôi ăn ké, mà giờ đây bà đã không còn trên thế gian nữa rồi.

Sau khi an táng mẹ xong, việc tiếp theo phải làm là phân chia tài sản. Tôi biết mẹ tôi mấy năm nay dành dụm rất nhiều tiền, nhưng khi nhận được công chứng tài sản của luật sư gửi qua, tôi vẫn bị bất ngờ: Tiền mặt, cổ phần và bất động sản lên đến hơn 70 triệu tệ (hơn 200 tỷ VND). Mẹ còn chưa kịp viết di chúc, nên khối tài sản này sẽ chia đều cho ông bà ngoại và tôi. Nhưng ông bà từ bỏ quyền kế thừa, nhường hết cho tôi.

"Hồi ấy ông bà làm mẹ con phải bỏ nhà rời đi, số tiền này ông bà không muốn có." Bà ngoại nói với tôi, "Con giữ tiền đi, nhưng nhớ dùng nó vào những việc đúng đắn."

Năm đó tôi mười bảy tuổi, còn một năm nữa mới đến tuổi trưởng thành, ông bà ngoại ở lại Phù Châu làm người giám hộ cho tôi, và vẫn luôn bảo bọc tôi đến tận bây giờ. Có lẽ vì áy náy chuyện quá khứ, hai ông bà đối xử rất tốt với tôi, xét theo một khía cạnh nào đó, thì ông bà cũng như cha mẹ của tôi rồi vậy.

Sau khi thu xếp xong xuôi hậu sự của mẹ, thì tôi chỉ còn nửa năm là đến kì thi đại học. Nhưng nửa năm đó, tôi với tôi quả thật nó là một kỳ tích. Tôi nghĩ mẹ tôi trên trời linh thiêng đã phù hộ cho tôi, nên cái đầu óc dốt đặc bao nhiêu năm như đột nhiên khai sáng, học gì cũng hiểu. Khoảng một tuần sau tang lễ, tôi tham gia một đợt thi thử, đặt những 500 điểm, thật sự không thể tin được. Mẹ tôi linh thiêng tiếp tục phù hộ tôi lúc thi Đại học thật, tất cả các môn tôi đều làm bài rất tốt. Nhưng mẹ tôi chỉ phù hộ cho tôi lúc đó mà thôi, sau khi thi xong, tôi vẫn là một học sinh không được giỏi, sau đó lại thành một sinh viên không xuất sắc, một thực tập sinh nhạt nhòa, tiện đã thành một bác sĩ tay mơ.

Lúc điền nguyện vọng trường sau khi hoàn thành kì thi, tôi lại nhớ đến Bạch Đoạn.

Khi ấy tôi còn chưa biết tình cảm của tôi dành cho Bạch Đoạn là kiểu tình cảm gì, tôi chỉ biết lúc ấy tôi cứ chấp nhất, trong lòng thì lúc nào cũng nhớ mong, mỗi lần nhớ đến gương mặt anh tôi lại cảm thấy vui như Tết. Hồi cấp ba ôn tập cực khổ tôi còn nhắn tin cho anh, lúc nào cũng là tôi nhắn trước, sau đó thấp thỏm chờ anh trả lời. Có đôi khi anh không nhắn lại, tôi liền mặt dày nhắn thêm cái tin nữa. Nội dung tin nhắn cũng chỉ là nói chuyện phiếm, kể khổ với anh.

Lúc công bố điểm thi, dò thấy điểm hơn 500, tôi mừng quýnh. Sau khi qua cơn kích động, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện cho Bạch Đoạn báo tin vui. Hôm đó Bạch Đoạn để quên điện thoại trong ký túc xá không nghe điện, tôi đứng ngồi không yên suốt cả một ngày. Đến chiều không nhịn được nữa, tôi đón xe đến kí túc xá tìm anh.



Lúc tôi đến ký túc xá, Bạch Đoạn cũng vừa trở về, tay trái bưng một chồng sách, tay phải xách theo một bình nước giữ nhiệt. Tôi đứng trước cổng lớn, không gọi anh ngay mà chờ anh đến gần. Bạch Đoạn đến cách tôi khoảng 10 mét thì mới nhìn thấy tôi. Đầu tiên là anh ngạc nhiên, sau đó anh nở một nụ cười thật tươi với tôi. Tôi nghĩ, để được ngắm Bạch Đoạn cười như thế, tôi đứng chờ ở cổng ký túc xá một đêm cũng đáng nữa.

"Em đến tìm anh à?" Anh hỏi.

"Không tìm anh thì tìm ai? Em còn quen ai ở Đại học Phù nữa đâu." Tôi vừa nói vừa đưa tay ôm chồng sách giúp anh, hỏi tiếp: "Sao hôm nay anh không nghe điện thoại em?"

"À, anh để quên điện thoại trong phòng." Anh nghĩ nghĩ rồi đáp, "Có chuyện gì không?"

"Không có việc thì gọi anh làm gì?" Tôi nhún nhảy sau lưng anh, "Hôm nay em đến bắt anh mời cơm em."

"Em thiếu tiền ăn cơm à?" Anh liếc tôi một cái.

"Gì mà thiếu, xem thường nhà giàu mới nổi à?" Tôi nhây, "Thật ra cũng không có gì, chỉ muốn gặp anh tâm sự thôi, thi đại học rớt rồi, có 550 điểm à, buồn muốn chết."

Bạch Đoạn ngạc nhiên, sau đó đùa theo: "Thi được 500 điểm là đủ mất mặt lắm rồi, đằng này tận 550! Sao còn chưa bỏ học về quê làm nông?"

"Sao anh còn chưa bỏ?" Tôi hỏi, "Em là bông hoa của tổ quốc (**) nên không bỏ được đâu."

Bạch Đoạn cười sảng khoái: "Da mặt em dày quá rồi đó."

Bạch Đoạn rất hay đùa tôi là đồ mặt dày, dần dà mặt dày gần như đã trở thành biệt danh của tôi. Hồi cấp ba, tôi đã suy nghĩ rất đơn giản về tình cảm của tôi dành cho Bạch Đoạn, tôi nghĩ rằng tôi chỉ muốn nói chuyện với anh, lúc mệt mỏi nhất có thể tìm anh tâm sự, vậy là được rồi. Nên lúc điền nguyện vọng đại học, nhớ đến trước đây từng hứa sẽ vào Đại học Phù với anh, dù tôi đấu tranh nội tâm cũng lung lắm, nhưng mà vẫn quyết định không điền Đại học Phù vào nguyện vọng một. Lúc ấy tôi suy xét trên hai thứ, thứ nhất là điểm số. Điểm tôi tuy tương đối cao, đủ lên đại học, nhưng muốn nộp vào trường y e là vẫn còn kém lắm, thứ hai là vì Chung Viên. Tôi thích ở cùng Bạch Đoạn thật, nhưng vẫn không vượt qua được sự căm thù của tôi dành cho ông ta. Nên tôi điền nguyện vọng một là quản lý thương mại, nguyện vọng hai là kiến trúc, nguyện vọng ba mới là y học lâm sàng.

Nhưng đến khi nhận thông báo trúng tuyển, nghiễm nhiên là khoa y học lâm sàng Đại học Phù. Phần mộ tổ tiên tôi chắc không chỉ bốc lên khói trắng nhẹ không đâu, mà thổi khói phù phù như hỏa tiễn luôn ấy. Nhưng sau đó ngẫm lại, có thể kèm một học sinh chỉ vừa trên trung bình như tôi đậu vào đại học y, đúng là chỉ có mỗi Chung Viên làm được.

Tôi mang thư trúng tuyển của Đại học Phù đến mộ của mẹ, lúc về tôi hỏi bà ngoại: "Bà nghĩ cháu có nên báo tin này cho Chung Viên không ạ?"

Bà im lặng một lúc lâu, rồi bảo tùy tôi quyết định.

Tôi nhìn chăm chăm lá thư trúng tuyển một hồi, rồi vẫn là quyết định không báo cho ông ta. Tôi nghĩ cũng không cần phải báo, khai giảng Chung Viên nhìn danh sách tân sinh viên là biết ngay thôi. Nghĩ đến đây tôi mới ý thức được mình sẽ chuẩn bị trải qua 5 năm học dưới trướng Chung Viên. Điều này làm tôi buồn bực vô cùng.



Hè năm lớp mười hai đó tôi đã làm một chuyện to gan lớn mật. Khi đó tôi vừa qua 18 tuổi không bao lâu, đã có đủ quyền tự quản lý tài sản. Tôi nói dối ông bà ngoại ra ngoài tập thể dục, nhưng thật ra là đạp xe ra ngoại ô xem mấy căn nhà đang được bán. Lúc đầu mấy người bán hoàn toàn không hề để tôi vào mắt, sau khi xem thẻ ngân hàng linh tinh của tôi, lại thấy tôi mở miệng toàn là hỏi biệt thự, sặc mùi nhà giàu mới nổi, mới chịu ngồi xuống trao đổi đàng hoàng với tôi.

Sau tôi lại ưng ý một biệt thự độc lập ở gần hồ bán nguyệt, giá khởi điệm hơn ba triệu tệ (10 tỷ 2) , tính hết các khoản khác vào thì trên dưới bốn triệu tệ ( 13 tỷ 6). Tôi nghĩ người bán đang đẩy giá lên cao hơn, nên ngày nào cũng lại đó "ám", nói giá giảm còn 3 triệu 3 (11 tỷ 2) thì tôi mua. Chính là lúc đó tôi gặp Tạ Cẩm.

Tạ Cẩm là một người đàn ông trung niên khoảng 50 tuổi, béo núc ních, cười lên chẳng thấy mắt đâu. Năm 35 tuổi ông đang làm cảnh sát, nhưng sau đó bỏ nghề chuyển sang buôn bán, càng về sau ăn nên làm ra, tài sản của ông phình to tỉ lệ thuận với cơ thể, đến giờ cũng đã miễn cưỡng lọt vào top 10 đại gia ở Phù Châu. Hôm đó ông cảm thấy yêu đời nên đến khu biệt thự bất động sản của mình chạy bộ, tình cờ gặp tôi đang cãi cọ với môi giới. Ông đứng đằng sau nghiêm túc nghe một hồi, rồi vung tay, nói bán cho tôi ba triệu ba, giá bạn bè.

- -

(*): Y phục nhà Đường + vòng chuỗi hạt



(**) "Những bông hoa của tổ quốc" là bộ phim thiếu nhi đầu tiên của CHDCND Trung Hoa, ra mắt năm 1955. Nội dung phim kể về những học sinh lớp 5 trong một trường tiểu học ở Bắc Kinh giúp đỡ nhau học tập. Phim để lại tiếng vang và ảnh hưởng cộng đồng rất lớn, sau này từ "hoa của tổ quốc" được dùng để khen ngợi những trẻ em ngoan, chăm học.

--

Note nhẹ của editor như một bài review:

Bộ truyện này tưởng đơn giản là tình cảm thôi nhưng mà chẳng đơn giản tẹo nào. Chị tác giả chắc là cũng khá lớn tuổi, nên kiến thức tích lũy và kinh nghiệm của chị cũng nhiều lắm.

Truyện này có 2 quyển. Ở đây mình muốn nói một chút về định nghĩa "hô hấp lần thứ hai", và một khái niệm khác, gọi là "cực điểm".

Cực điểm theo nghĩa đen là trạng thái sinh lí đặc biệt xuất hiện ở những người khởi đầu công việc với cường độ cực lớn, Biểu hiện cực điểm là khó thở, đau nhói ở ngực, váng đầu, cảm giác mạch đập ở não, và muốn ngừng công việc;

Hô hấp lần thứ hai là trạng thái thay đổi sau cực điểm: nếu cố gắng vượt bậc để tiếp tục công việc với cường độ cao, thì sau đó hơi thở trở lại bình thường, cảm giác khó chịu qua đi, sức hoạt động của cơ tăng.

Thì quyển 1, chính là "cực điểm" đối với các nhân vật, khi xảy ra rất nhiều biến cố và cốt truyện xuất hiện đủ các loại ngành nghề từ đầu tư chứng khoáng bất động sản đến những mặt của kinh doanh như tạo công ty ma rửa tiền, có cả án mạng và luật sư, có cả ma túy, xã hội đen. (đặc biệt có cảnh bác sĩ cầm súng siêu ngầu lòi.) dẫn người đọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Sau khi qua cực điểm, quyển 2 sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, và các nhân vật có thể hô hấp lần thứ hai theo một nghĩa nào đó.

Mình có nhiều điều muốn viết về bộ này quá nhưng lại bị lung tung, nên đến đoạn nào mình muốn lảm nhảm thì ghi ra thế này vậy...edit xong gộp lại chắc cũng thành một bài cảm nhận hoàn chỉnh...

./.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau