Hủ Mộc Sung Đống Lương

Quyển 45 Chương 3: HUNG THỦ THỰC, HUNG THỦ GIẢ

Trước Sau
Mặt Tròn Vo trắng bệch. Nhưng cho dù cặp giò ngắn ngủn của nó có bị chôn xuống đất, Tarzan vẫn nhổ bật lên. Hắn đẩy thằng mập đi vô trước, kéo theo phía sau một hàng dài lần lượt gồm bà Pauline, Gaby và cuối cùng là Karl.

Tròn Vo nói:

- Xin chào bác Holmann.

Chết cha rồi. Tarzan kêu khổ trong lòng. Cu cậu đã luyện chữ dượng suốt một ngày mà bây giờ quên bẵng. Bác sĩ Holmann gầm lên:

- Ta ghét cái từ đó. Phải gọi ta là dượng, dượng, dượng… hiểu chưa?

Tròn Vo tê tái cả người, đứng thuỗn ra.

Tarzan quan sát cách bài trí trong nhà. Căn nhà phong kiến của vị bác sĩ khó tính đơn giản thế này sao? Nội thất hầu như không có gì, trừ những vật dụng bày biện khá thô kệch. Nhưng ông già thầy thuốc 76 tuổi trông rất tráng kiện. Ông mặc chiếc áo lụa thô màu mỡ gà, ống tay xắn cao, quần kẻ sọc đỏ.

Giọng ông ta như sấm:

- Bà Pauline, bà tắt thuốc lá ngay.

- Đừng hòng. Chỉ giỏi ăn hiếp thằng bé. Nếu sợ mùi thuốc, mời ông ra khỏi cửa.

- Trời hỡi, đây là nhà tôi.

- Thế thì tôi đi đây, nhưng tôi cấm ông giận cá chém thớt đổ mọi thứ lên đầu tụi nhỏ đó.

Tarzan kéo tay bà già dễ mến:

- Bà khỏi lo. Tụi cháu sẽ rời khỏi nhà cùng với bà mà. Chúng cháu không thể để bạn Willi ở lại đây với con người thô thiển này được. Cũng may mà chúng cháu có vé khứ hồi. Này Kloesen, đưa thư của ba mày gửi ông bác sĩ ấy đi.

Bác sĩ Holmann nói:

- Hừ, té ra ta là con người thô thiển đây.

Holmann bước về phía Tròn Vo bắt tay nó và để tay kia lên vai đứa cháu mà ông chưa hề gặp mặt.

Tròn Vo co rúm người lại. Tarzan phải huých cho nó đứng thẳng người lên.

- Ta rất vui khi gặp cháu. Dượng nóng nảy quá, phải không? Ai kêu cháu hẹn dượng mà không đến đúng giờ giấc? Nghe ta nói đây: cháu sẽ không được về bây giờ, rõ chưa?

Ông ta quay sang Tarzan:

- Chúng ta sẽ còn chiến đấu với nhau đấy.

Tarzan mỉm cười:

- Bằng cận chiến tay không hoặc vũ khí, tùy bác chọn ạ.

- Hừ, cháu tên là gì?

- Dạ, Peter Carsten biệt hiệu Tarzan. Hai bạn cháu là Gaby và Karl. Bốn đứa cháu cộng lại thành TKKG thích những chuyện li kì. Trên tàu tốc hành, tụi cháu đã nghe nói và chứng kiến các hoạt động táo bạo của bọn tội phạm ở đây. Việc tìm hiểu chúng là sở trường của tụi cháu.

Bác sĩ Holmann đưa mắt nhìn bà Pauline:

- Bà thấy thế nào?

- Còn thế nào nữa. Tôi chỉ ao ước được làm bà nội hoặc bà ngoại của bốn đứa này.

- Tôi đã chờ hơn nửa tiếng đồng hồ trong quán TRÁI NHO và thấy tàu tốc hành Alpen chạy qua mà chẳng gặp đứa nhóc nào kêu “dượng” hết. Giá lúc ấy bà ở trong hoàn cảnh tôi thì mới hiểu tôi bực mình đến cỡ nào.

Tarzan không nói gì. Hắn lẳng lặng ngắm những ngón tay đầy nhẫn của bà Pauline mà bồi hồi. Trời ạ, hồi đó có lẽ bà chỉ bị mất một nửa của cải. Chứ sao, hãy ngó tướng mạo phong lưu của bà… là hiểu thừa. Rõ ràng kho báu bị mất chẳng làm bà bận tâm.

Tròn Vo “tình cảm” với dượng Holmann:

- Tụi cháu đến trễ vì vụ ông Mair-Chateaufort bị trấn lột.

Bà Pauline bỗng giật mình. Bác sĩ Holmann như bị kim châm. Ông nói ngay:

- Mair-Chateaufort là bạn thân của ta. Chúng ta vẫn thường hay chơi bài với nhau, chắc ta phải phôn đến bịnh viện…

Gaby lắc đầu:

- Cháu cho rằng không nên gọi điện cho nạn nhân lúc này.

Cô bé kể lại những điều mà thanh tra Wondrascheck đã nói với bốn đứa. Cô kết luận:

- Bác sĩ cấp cứu nói rằng ông Mair-Chateaufort chưa đến nỗi nào.

- Vậy thì được. Thiếu ông ta làm sao còn hứng thú đánh bài nữa. Ta biết Chateaufort chuyên chơi bịp nhưng ta còn bịp hơn.

Tarzan trầm ngâm. Thầy thuốc Holmann bề ngoài thô bạo chớ thật ra ông là một người đầy lòng trắc ẩn. Ông bác sĩ nhìn Tarzan chằm chằm:

- Nghe các cháu kể về con mẹ phóng viên giả mù, với những lời tốt đẹp, ta nói thiệt, ta chẳng ưa nổi cánh nhà báo.

Tarzan đáp:

- Nhưng cô ta đã gây những ấn tượng tốt đẹp với tụi cháu. Tại sao bác lại thành kiến với cô ấy đến thế ạ?

Bà Pauline thích thú về chỗ cái bàn có bình nước cam to tướng. Bà rót nửa li để uống. Uống xong li nước cam, bà già cho biết:

- Các cháu biết không. Cái cô nàng Susi đó và anh bạn trẻ đã giành mất một trang trại nhỏ mà dượng Holmann định mua ở phía bắc thung lũng. Hỏi sao dượng chẳng hậm hực nào.

Gaby nói nhẹ nhàng:

- Không lẽ vì lí do bình thường đó mà bác tuyên chiến với chị Susi sao?

Bác sĩ Holmann làu bàu:

- Nhưng ả kí giả đó sống với gã quay phim truyền hình mà chẳng làm đám cưới công khai. Hừ, ả ta coi khuôn phép đạo đức chẳng ra gì.

Ba thằng quái cười. Bà Pauline giảng hòa:

- Thôi ông ơi. Ông xưa như Trái Đất ấy. Thời buổi bây giờ văn minh bấm nút chớ chẳng lẽ cổ lỗ sĩ hoài. Miễn sao cô nàng chung sống hòa bình với chúng ta là được. Này, tôi rót li nước cam cho ông uống hạ… nhiệt nhé.

Holmann hoàn toàn bế tắc. Ông quay sang tìm cách sinh sự với Tròn Vo:

- Với tư cách một thầy thuốc, dượng tuyên bố cháu phải ăn kiêng, nghe chưa? Tại sao mày… phát phì kinh dị thế hử?

- Dạ… có lẽ do truyền thống gia đình. Ba cháu đồ sộ lắm.

- Đồ sộ cái mốc xì. Béo thì nói béo còn bày đặt bào chữa. Riết rồi mày như một cái thùng phi biết lăn.

Bà Pauline sốt ruột. Trời ạ, ông bạn chí cốt của bà còn kiếm chuyện kiểu này mãi thì tụi nhỏ ăn uống thế nào đây. Bà giục:

- Gaby, phụ bà một tay đầu bếp cho sáu người ăn bữa tối nhé. Willi, cháu hãy dọn đồ vô phòng khách nhỏ kia.

Bà già ngước mắt chờ ý kiến gia chủ. Cũng may ông Holmann đã nguội đợt sóng thần. Ông ậm ừ:



- Còn có một phòng có sẵn hai giường nữa đấy.

- Tốt quá. Vậy thì Gaby sang ở với bà. Trang trại bà chỉ cách đây vài cây số. Cánh phụ nữ mình sẽ nhường hẳn giang sơn bên này cho lũ đàn ông.

Gaby reo lên:

- Thế thì tuyệt quá ạ.

Mười phút sau, tất cả kéo nhau qua phòng ăn. Bà Pauline lo hậu cần chu đáo đến nỗi chiếc bàn dài như muốn gục xuống bởi những đĩa thức ăn ngồn ngộn.

Tội nghiệp Tròn Vo. Nó không được thoải mái. Ông dượng thẩm vấn còn hơn cả cảnh sát, nó muốn phát điên khi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến hãng sô-cô-la Sauerlich và gia đình bên Đức. Trong khi Tarzan đã tì tì ăn đến cặp bánh thứ hai.

Bà Pauline can thiệp kịp thời:

- Thằng bé chết đói tới nơi rồi kìa. Ông ác vừa vừa chứ.

Tròn Vo nhìn bà với con mắt đầy biết ơn. Nó thở phào vục đầu xuống bàn ăn.

Chuông điện thoại réo, ông Holmann với tay nhấc máy nơi cửa sổ, cạnh chỗ Tarzan ngồi.

- Tôi, Holmann đây.

Giọng bên kia đầu dây se sẽ, nhưng Tarzan vẫn nghe rõ:

- Holmann hả? Mày chuẩn bị đi đến đoạn chót của đời mày, tao sẽ tới để rửa thù. Mày không thoát khỏi tay tao đâu, đồ lang băm.

*

Rudigo Klavim đi qua một bãi cỏ xanh và dừng lại trước băng ghế. Gã ngồi xuống xả hơi và tự sỉ vả mình.

Mẹ kiếp, gã đã phạm sai lầm gì chăng? Gã đã cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng đến nỗi bỏ quên luôn cái va-li trên tàu tốc hành. Cũng hên là trong va-li không có giấy tờ, chỉ ít đồ lót, áo sơ-mi và bộ complê. Thật không thể nào hiểu nổi. Gã nghĩ, hay là tại vì mình đổi lĩnh vực hoạt động? Từ trước tới nay với chùm chìa khóa vạn năng gã đã từng làm các buồng trong khách sạn phải thất điên bát đảo. Tại sao hôm nay chỉ ngẫu nhiên ăn cắp của một lão già ngất xỉu sẵn mà gã lại run như cầy sấy nhỉ? Gã chỉ lấy được vẻn vẹn một cái bóp, hai cái nhẫn, một chiếc đồng hồ vàng. Tình cờ, hoàn toàn tình cờ thôi. Tự nhiên gã bước đến toa cuối cùng và thấy cái chuyện đáng tiếc đó. Mà gã không thể không lấy cắp bất cứ vật gì quý giá trông thấy được. Từ hồi còn đi nhà trẻ gã đã thế rồi.

Rudigo Klavim toát mồ hôi hột. Ai giết lão già và liệng xác lão ở toa cuối cùng? Gã hoàn toàn ú ớ. Gã hoảng thật sự khi có người đàn bà đột nhiên xuất hiện trước mặt, đôi kính đen nhìn chòng chọc mặt gã. Phúc tổ cho gã, mụ ấy bị mù, tay mụ ấy cầm gậy và đính một băng vải màu vàng có ba chấm đen dành cho người bị mù. Ấy thế mà gã đã phóng bán sống bán chết như một thằng mới vô nghề. Tất cả những đứa có tay nghề lão luyện đều biết rằng, khi trốn thì phải đi thật chậm.

Trời tối đã lâu rồi. Đèn đường thị trấn Faesslitft lúc này sáng rực. Gã thấy cám cảnh. Năm nay gã 31 tuổi với mười năm ngang dọc khắp châu Âu bằng nghề “nhập nha” các khách sạn. Gã đã tự mưu sinh trước mũi của bọn cớm nhưng lại run rẩy trước một ả mù. Nhục nhã. Hay là đời mình sắp bị “lão hóa” rồi. Chó thật.

Rudigo vén mái tóc màu vàng rịn mướt mồ hôi rồi thọc tay tìm cái bóp. Chủ nhân cái bóp tên mà Macxen Mair-Chateaufort, một cái tên nửa Pháp, nửa Áo. Trong ví có 6.000 schilling tất cả, tương đương 25.000 mark, và một chiếc đồng hồ vàng.

Rudigo nhìn trời. Chẳng lẽ ta lại ngủ trên băng ghế đá này ư? Không đời nào, chẳng thà ra nghĩa địa ngáy. Ngủ ở công viên, bọn du côn du đãng nhiều như rươi, lạng quạng sáng mất toi 6.000 schilling thì khốn.

Gã đứng dậy, sửa lại quần áo chỉnh tề và thong thả tới khách sạn. Gã vừa đói vừa khát. Gã đến khách sạn Kur, một khách sạn được xây dựng từ thế kỉ trước và mới tân trang lại. Phía trước khách sạn là những luống hoa muôn màu muôn sắc. Lối đi rải nhựa ngoằn ngoèo theo những luống hoa. Hai bên đường dành cho ô-tô chạy tới cổng được cắm cờ các nước châu Âu. Trời lặng gió, cờ treo ủ rũ dưới ánh đèn sáng chói.

Rudigo nhún vai. Cũng may là ba ngày trước gã đặt phòng trước tại khách sạn này. Đặt mà chưa ở. Gã bước vô phòng lễ tân, vào giờ này tại đây chỉ có một người làm việc.

Gã nhanh nhảu:

- Chào anh, tôi tên là Rudigo Klavim và có đặt buồng ở đây.

Người nhân viên liếc bảng danh sách:

- Thưa ông, đúng. Ông viết phiếu đăng kí rồi chúng tôi sẽ kêu nhân viên mang hành lí lên buồng.

Rudigo hí hoáy viết và nói:

- Trên đường đi tôi bị mất hành lí, cũng còn hên là giấy tờ tùy thân lẫn tiền bạc vẫn còn.

Viên trực phòng lễ tân hơi nhướng mắt, chứng tỏ có đôi chút nghi ngờ:

- Thưa ông, theo quy định của cảnh sát, chúng tôi cần hộ chiếu của ông.

Rudigo đưa hộ chiếu và nhận chìa khóa buồng 311 rồi đi về phía thang máy. Nhưng rồi gã lưỡng lự. Lên buồng làm gì nhỉ? Gã có gì để cất đâu. Chân tay cũng không bẩn lắm. Vậy thì phải kiếm cái gì đó bỏ bụng đã.

Gã quay ngoắt về phía khu nhà cổ có rất nhiều cây cọ um tùm. Một nhà ăn mang đầy hương vị thiên nhiên. Rudigo chọn một bàn dành cho hai người sau một cây cọ. Thông qua một cửa sổ rộng, gã có thể quan sát dễ dàng toàn cảnh sân khách sạn.

Gã búng tay cái chách:

- Cho một vại bia lớn và đồ ăn nguội.

Rudigo uống ừng ực sảng khoái. Chỉ trong vòng nửa phút, gã đã hốt hụi được hai cái nhẫn, một đồng hồ vàng và 6.000 schilling.

Gã mơ màng đếm 26 cây cọ chung quanh nhà ăn. Sau khóm cọ lòa xòa hình như có khách mới kéo ghế.

Mùi nước hoa thoang thoảng làm gã tò mò. Gã rẽ đám lá dòm lén. Tiếng lá sột soạt khiến người đàn bà vừa ngồi xuống nhìn gã với vẻ khó chịu.

Đúng lúc đó người bồi bàn đã đem thức ăn lên. Theo sau anh ta là một phụ nữ thoăn thoắt đi tới. Cô nàng mới xuất hiện ngồi vào chiếc bàn mà Rudigo đang dòm lén.

- Xin lỗi làm bồ phải đợi. Mình bận viết cho xong một bài báo và mô tả hình dạng để cho họa sĩ trong tòa soạn dựng lại hình ảnh tên cướp.

- Ủa, sao lại có cướp ở đây. Chuyến đi thực tế vừa rồi, đề tài của bồ là “cô gái mù” cơ mà.

Mẩu đối thoại của hai cô gái khiến Rudigo bàng hoàng. Gã toát mồ hôi hột, rón rén vạch đám lá và suýt hất tung bộ dao nĩa trên bàn bởi… người đàn bà mới đến. Trời ạ, mặc dù cô ả ngồi nghiêng nhưng gã cũng biết ngay đó là cô gái mù trên toa tàu. Ngay chóc. Cũng những lọn tóc màu đỏ đó, cũng bộ mặt trái xoan đó, cũng bộ quần áo màu da cam vờ vịt ngây thơ. Mẹ kiếp, chỉ có đôi mắt kia bây giờ không mù. Trông nó mới tinh nhanh làm sao. Không có gậy, không có băng của người mù.

Ý nghĩ gã bị đứt đoạn bởi giọng Susi:

- Bồ nhìn cái gì về phía chiếc bàn khuất ấy hở Tanja?

- Có một tên đàn ông láu cá đang ngó trộm tụi mình đó. Nè, định nhòm lén suốt đêm hay sao đấy.

Rudigo ấp úng:

- Xin lỗi…

Gã buông đám lá trong tay và chỉ muốn chui xuống lỗ nẻ. Ôi, quỷ sứ. Hình như con nhỏ giả đui đã phát hiện ra mình.

Tiếng Susi hỏi khe khẽ:

- Ai vậy?

- Không rõ, Susi ạ. Nếu gã nhòm lén nữa thì mình ra bàn khác ngồi.

- Thôi bỏ đi Tanja. Này, nghe mình nói đây. Thanh tra Wondrascheck bảo mình rằng: tên cướp làm ông Mair-Chateaufort bị chấn thương sọ não trên tàu tốc hành Alpen bất cứ lúc nào cũng có thể thủ tiêu mình để bịt miệng. May mà lúc đó mình đang đóng vai cô gái mù nên gã bỏ qua. Thôi, để mình kể lại từ đầu cho bạn nghe.

Susi hồn nhiên kể hết mọi chuyện mà không hề hay nhân vật bên chiếc bàn hàng xóm rùng mình ớn lạnh. Rudigo không ăn nổi một miếng dù trên bàn thức ăn đầy ắp và bụng gã đói mèm.

Susi kết thúc:

- Tội nghiệp ông Mair-Chateaufort. Mình sẽ giúp ông ấy bằng bài phóng sự điều tra nóng hổi của mình. Bồ hiểu chứ, ngày mai báo sẽ đăng kèm theo bức vẽ chân dung của tên tội phạm. Mình đã nói với ông thanh tra rằng nếu nhìn thấy gã, nhất định mình sẽ nhận ra được.

Rudigo nổi da gà. Gã chết lặng vì sợ hãi mà không cách gì trách cứ được Susi. Quả là một sự ngộ nhận man rợ, tình ngay mà lí gian. Đặt mình vào trường hợp cô nhà báo giả mù, gã cũng buộc phải có cái nhìn về chính gã như vậy.

Là một tên trộm chuyên nghiệp, gã biết rằng khi gặp dịp là không thể bỏ qua. Nhưng không phải vì thế mà gã có gan giết người để cướp của.

Rudigo chỉ tạm nhẹ người khi biết rằng nạn nhân không chết mà chỉ bị ngất. Đỡ cái khoản lo ông già báo oán.



Đúng lúc gã hoang mang đến cùng cực thì người bồi bước tới. Giọng anh ta ngạc nhiên:

- Ủa, ông không dùng các món ăn sao?

- Ồ… không. Ngon đấy nhưng… tôi không nuốt nổi. Anh cho tôi tiếp một vại bia và li đúp rượu lê nhé.

Rudigo cảm thấy vô cùng lo lắng.

*

Lời đe dọa trong điện thoại như gió thoảng nhưng lọt hết vào tai Tarzan. Giọng nói của kẻ nặc danh trong ống nghe lành lạnh mà khá quen với hắn. Mắt Tarzan chớp chớp. Thứ âm thanh được phát ra từ kẽ răng cắn chặt ấy hình như hắn đã nghe qua một lần. Đúng rồi, tạ ơn Chúa! Nếu trí nhớ của hắn không phản thùng thì kẻ vừa phôn cho bác sĩ Holmann chính là tên đàn ông nói năng lỗ mãng ngốn bánh mì xúc xích nhồm nhoàm trong quán TRÁI NHO.

Bác sĩ Holmann bỏ máy xuống, ông ngó Tarzan:

- Cháu có nghe thấy không đó?

- Dạ, cháu nghe rõ mồn một.

- Thôi quên đi, toàn chuyện nhảm nhí.

Bà Pauline lo lắng:

- Có chuyện gì thế?

Holmann nhấm nháp miếng bánh mì kẹp dăm-bông và nói:

- Không biết thằng điên nào đe dọa định làm thịt tôi, bà ạ.

Tarzan ngồi thẳng người:

- Gã không điên đâu, thưa bác. Gã đã nói rất rõ “… tao sẽ tới để rửa thù. Mày không thoát khỏi tay tao đâu, đồ lang băm”. Bác ạ, cháu nghĩ rằng không thể coi nhẹ chuyện này được. Gã dọa giết bác, thế mà bác lại cho rằng đó là chuyện nhảm nhí.

Mặt bà Pauline nhợt nhạt hẳn:

- Chúa ơi!

Ông Holmann rất bình tĩnh. Ông nói:

- Chẳng có gì ầm ĩ cả. Ta rất khinh bỉ những kẻ khủng bố qua điện thoại mà không dám chường mặt. Lối đe dọa kiểu này tiểu nhân còn thua cả trẻ con. Các vị phải biết, ở tỉnh lẻ này ta sống rất hòa thuận và đàng hoàng chưa bao giờ bị mang tiếng với ai. Ta đếch ngán thằng du đãng ma cô đầu gấu đại bàng nào cả. Có ngon cứ ra mặt.

Bà Pauline cố nuốt thức ăn cho khỏi nghẹn họng rồi nói:

- Ông Holmann, Tarzan nói đúng đấy. Chúng ta phải báo lời đe dọa giết người này cho thanh tra Wondrascheck.

- Càng không báo. Ta ghét lão đó lắm.

Gaby xoa dịu:

- Sao bác lại không thích ông thanh tra ạ. Cháu thấy ông ấy rất hiền lành.

- Cháu không biết lão đâu, cháu gái. Lão dám hàm hồ tuyên bố ta đã điều trị bịnh “ziegenpeter” cho vợ lão sai phương pháp.

Bà Pauline thở dài:

- Trời ơi, chuyện đó đã xảy ra 40 năm nay, lúc ấy bà Hilde còn là một đứa bé. Mãi mười hai năm sau bà ấy mới lấy ông thanh tra cơ mà.

- Bởi thế mới tức chớ. Tôi có điều trị cho một đứa con nít nào đâu, thế mà lão thanh tra dám đổ thừa tôi làm cho vợ lão nghễnh ngãng.

Gaby ráng nín cười. Cô bé nháy mắt với Tarzan. Hắn hiểu ý cất tiếng:

- Theo cháu thì bác cũng không cần gõ cửa ông thanh tra cho tốn thời giờ. Tụi cháu thừa sức bảo vệ bác, ít ra là sau cú điện thoại vừa rồi, gã giấu mặt đã có sơ hở một vài điểm.

Mọi người ngẩng đầu nhìn Tarzan trừ… Tròn Vo. Còn phải hỏi, thằng mập bận xực phàn để bù lỗ cho cuộc thẩm vấn chớ sao.

Holmann hỏi một cách hồi hộp:

- Cháu nói coi Tarzan?

- Theo cháu nghĩ, kẻ nào thực sự có ý định giết người, kẻ đó không tiết lộ trước ý đồ của mình. Bởi vì qua đó, cơ hội thực hiện tội ác sẽ ít đi. Trừ phi đó là một kẻ ngốc nghếch hoặc cố tình làm bác sợ hãi. Nếu gã thực sự muốn ra tay thì không cần thiết phải tạo dựng cú phôn làm chi. Thứ hai, gã kết thúc cú phôn bằng cách mạt sát bác là “lang băm”. Chẳng lẽ gã là một bịnh nhân của bác? Thế bác đã bao giờ bị bệnh nhân dọa trả thù chưa ạ?

- Hừ hừ, làm sao ta nhớ được bịnh nhân nào căm thù ta chứ? Lúc ốm đau thì chúng năn nỉ ỉ ôi, xin chữa cho khỏi bằng bất cứ giá nào, lúc khỏi bịnh thì chúng chửi ta cắt cổ chúng vì tiền thuốc men chạy chữa quá cao.

Karl Máy Tính im lặng nãy giờ, lúc này mới chịu hé miệng:

- Bác đóng cửa bịnh viện để về hưu từ bao giờ vậy?

- Cách đây năm năm nhưng bịnh viện vẫn hoạt động do cháu ta điều hành. Bà Pauline nắm rõ vụ này đấy, ta đã cho thằng cháu thuê lại cơ sở này.

Tarzan ngẫm nghĩ, theo lời kể của Susi thì bác sĩ Holmann có một người cháu cũng hành nghề y khoa tên là Andreas. Có nên đặt vến đề Andreas đã vô tình gây thù chuốc oán với ai trong khi điều trị và bây giờ ông Holmann lãnh nạn không? Có lẽ không nên. Bởi đã chắc gì tên sát thủ trong điện thoại là cựu bịnh nhân của Holmann hoặc Andreas. Biết đâu gã hận Holmann vì một lí do nào khác và ngứa miệng gào lên “lang băm” để tự hả hê chơi?

Tarzan cảm thấy nhức đầu. Hắn thăm dò sang một khía cạnh mới:

- Bác hãy nhớ lại coi ai là người có thể làm hại bác?

Bác sĩ Holmann cũng căng thẳng không kém Tarzan. Ông nhún vai:

- Có lẽ chẳng có ai. Tôi đâu có cãi cọ với ai, phải không bà Pauline?

Bà già gật đầu:

- Những năm gần đây, ba người lớn tuổi chúng tôi rất ít giao tiếp với bên ngoài. Tôi muốn nói đến ông Mair-Chateaufort, ông Holmann và tôi. Chúng tôi chỉ quanh quẩn với nhau.

Tarzan lại tư lự. Vậy thì nếu đúng là “gã rẽ tóc ngôi giữa” thì gã muốn gì đây? Nguyên nhân nào khiến gã thâm thù ông bác sĩ đến vậy?

Bữa ăn tối lại tiếp tục.

Trong lúc Tròn Vo phải kể lại cuộc sống của gia đình Sauerlich bên Đức trong những năm vừa qua thì bà lão Pauline ngáp dài. Bà che miệng nói với Gaby:

- Chắc hai bà cháu mình phải về sớm. Bà còn phải chuẩn bị giường chiếu cho cháu nữa.

Hai bà cháu ra xe. Tarzan vịn cửa chiếc xe hơi mini nói vọng vào:

- Gaby ơi, về đến nơi nhớ phôn liền nghe. Mình bắt đầu ngóng điện thoại sau mười phút nữa đấy.

Bà Pauline cười hóm hỉnh với Gaby:

- Tarzan quan tâm đến cháu quá nhỉ? Như thế là tốt.

Xe lăn bánh. Giọng ồm ồm của ông Holmann từ bên trong làm Tarzan bừng tỉnh:

- Đám phụ nữ đi rồi, giờ cánh đàn ông chúng ta dọn bếp rồi lên nhà trên. Mấy đứa làm được chứ?

Ba đứa vào bếp thu dọn bát đĩa. Tròn Vo nhanh tay ăn thêm mấy lát pho-mát, đương nhiên là ăn vụng, nhưng nào có khó gì vì ông Holmann ngồi mải mê đọc báo ở tít trong phòng lớn.

Khi ba quái lên phòng khách thì đã quá thời điểm đợi cú phôn Gaby năm phút. Trời ạ, mười lăm phút đã trôi qua mà không thấy một tín hiệu gì. Không hiểu sao lòng Tarzan như có lửa đốt.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau