Kể Từ Khi Tôi Mắc Bệnh Tâm Thần

Chương 1

Sau
Editor: Kẹo Mặn Chát

Bác sĩ Khương đã từng nói bệnh nhân tâm thần phân liệt là một nhóm người bị xã hội đánh bại, bọn họ không hòa nhập vào xã hội mà là trốn ở bên cạnh bóng tối lặng lẽ quan sát.

Tôi cũng không biết tại sao, dù gì bác sĩ Khương cũng nói với tôi như vậy.

La Đông Nguyệt cũng là bệnh nhân tâm thần, nghe nói còn giết người.

Cô ấy là chị gái tôi, đã chết vào một ngày nào đó trong quãng thời gian nằm viện dài đằng đẵng của tôi, cũng vào một ngày mùa đông không có một chút hơi ấm thế này.

Vậy nhưng cái chết của cô ấy chỉ tạo ra vài dao động không đáng nhắc tới trong tâm trí tôi, thậm chí còn không sánh bằng không khí ẩm lạnh sáng nay, ít nhất chúng còn có thể làm tôi cảm thấy khó chịu.

Tôi đã 27 tuổi nhưng chức năng xã hội chỉ dừng lại ở trình độ năm 17 tuổi. Thời điểm học lớp 11, tôi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng*, trước khi chẩn đoán đã phát bệnh nhiều lần, người trong nhà gần như không chống đỡ nổi đành đưa tôi vào bệnh viện tâm thần.

Cứ như vậy đi vào một lần, tôi ở liền mười năm không đi ra nữa.

Tôi thực sự đã từng bị bệnh tật tra tấn đến không còn hình người, tôi nhiều lần có suy nghĩ tự sát ở trong đầu, cũng đã thử qua nhiều cách tự sát. Giờ đây, khi những hình ảnh điên điên khùng khùng hiện lên trong tâm trí, cảm giác nhục nhã đấy lại chà sát tới lui trên khắp người tôi.

Y tá nói rằng khi thời tiết lạnh, tôi luôn ngồi trên giường quấn chăn nói chuyện một mình suốt cả ngày, thỉnh thoảng bật cười với không khí, hoặc nhìn vào cửa sổ ngẩn người. Cửa sổ với hàng rào sắt khắc ghi thật sâu vào ký ức của tôi, âm thanh của cả trai lẫn gái đều liên tục vang lên không ngừng trong lỗ tai, đôi khi là lời nguyền rủa chửi bới, đôi khi là mệnh lệnh phục tùng.

Tôi đặc biệt sợ làm liệu pháp điện*, y tá sẽ nhét một miếng đệm răng vào miệng tôi, sau đó cơ thể tôi co giật, run rẩy; trong vô số những đêm lộn xộn mất trật tự, tôi bị trói trên giường mà vẫn còn ầm ĩ, ồn ào muốn tìm một cái máy nghe lén, giật lắc khung giường kim loại, làm cho toàn bộ hành lang đều là tiếng bang bang, quấy nhiễu làm mọi người không thể chịu được.



Có thỉnh thoảng tôi sẽ không ngoan ngoãn uống thuốc, y tá cho tôi thuốc, tôi không dám uống, luôn nói chúng độc, nửa đêm len lén ném thuốc xuống bồn nước xả trôi, ngoài miệng còn nói đã uống rồi, sau khi bị phát hiện, y tá bất đắc dĩ mỗi ngày đều phải giám sát tôi uống thuốc xong mới rời đi.

Tôi! Cực kỳ! Đau! Khổ! Tôi mỗi ngày đều uống thuốc, uống thuốc, uống thuốc, vừa uống thuốc, vừa chờ đợi những ngày tháng khó khăn nhất qua đi. Đến mùa xuân, bác sĩ đổi cho tôi sang phòng bệnh mở*, cuối cùng tôi có thể lắc lư trên hành lang, có thể tự do hoạt động, ngồi xem TV với nhóm bệnh nhân cùng phòng, ngày ngày đi tìm y tá tâm sự.

Hiện tại, rốt cuộc tôi lại có thêm cơ hội hòa nhập vào xã hội.

Trên thực tế, tôi không quá muốn rời đi, nơi này tràn ngập vô số đau đớn, nhưng cũng chứa đựng mười năm ký ức của tôi, đối với tôi mà nói, nơi này giống như một ngôi nhà.

Một ngày trước khi tôi xuất viện, các bác sĩ và y tá đã tổ chức cho tôi một bữa tiệc chia tay nhỏ, mua bánh ngọt, đương nhiên không có nến, tôi bị một đám người vây quanh, bệnh nhân cùng phòng và gia đình của họ vui vẻ ấm áp, vỗ tay, ca hát, gửi cho tôi những lời chúc phước lành.

Tôi vui mừng đến nỗi nước mắt giống như những bông tuyết lặng lẽ chậm rãi rơi xuống, thấm vào trong tiếng bi thương trên thế gian này, tựa như giọt nước nhỏ bé trong cơn mưa rào.

Sau khi kết thúc, mọi người nên điên thì vẫn điên, nên khóc thì vẫn còn đang khóc.

Cuối cùng, tôi ôm bác sĩ Khương tốt nhất trên thế giới. Sau cái ôm, bác sĩ Khương chậm rãi buông tay ra, dịu dàng nói với tôi: "Có vấn đề hãy đến đây tìm tôi bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là đừng quay lại, sống một cuộc sống thật tốt."

"Cám ơn anh, bác sĩ Khương."

Ánh nắng mặt trời bên ngoài, với ánh nắng mặt trời trong bệnh viện tâm thần dường như không giống nhau, ấm áp và chói mắt hơn. Tôi cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi có lại được phần cảm giác xấu hổ một lần nữa, trở về xã hội với tư cách là một người bình thường.



______________

Kẹo: bộ này sẽ có vài chú thích về bệnh và chuyên ngành (ko dài lắm), cho nên ai muốn tìm hiểu thì đọc nhé, ko thì bỏ qua cũng đc nha.

_____________________

Chú thích:

*Tâm thần phân liệt hoang tưởng là một trong một số loại tâm thần phân liệt, một căn bệnh tâm thần mãn tính, trong đó một người bị mất liên lạc với thực tế (tâm thần). Các triệu chứng cơ bản của tâm thần phân liệt hoang tưởng là có ảo tưởng và nghe những điều không có thực.

Với tâm thần phân liệt hoang tưởng, khả năng suy nghĩ và chức năng trong cuộc sống hàng ngày có thể tốt hơn so với các loại tâm thần phân liệt khác. Có thể không có nhiều vấn đề với bộ nhớ, tập trung hoặc cảm xúc. Tuy nhiên, hoang tưởng tâm thần phân liệt là một bệnh nghiêm trọng cả đời có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm cả hành vi tự tử.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng có thể bao gồm: thính giác ảo giác, ảo tưởng, lo lắng, tức giận, bạo lực, thích tranh cãi, tự đề cao hoặc hạ thấp mình, suy nghĩ và có hành vi tự tử.

*Trị liệu co giật bằng điện hay được gọi là liệu pháp sốc ECT( Electro-convulsive therapy) là đưa một dòng xung điện ngoại lai gây cộng hưởng với dòng điện não, làm quá ngưỡng hoạt động của các tế bào thần kinh thùy trán hoặc thùy thái dương, tạo ra cơn co giật và một tình trạng hôn mê ngắn làm xoá đi toàn bộ những chức năng hoạt động tâm thần được hình thành trong quá trình sống, cũng như các rối loạn tâm thần được hình thành trong quá trình bị bệnh. Sau một liệu trình gây sốc thì chỉ có các chức năng hoạt động tâm thần bình thường được phục hồi trở lại vì đó là các định hình khó làm thay đổi được trong quá trình sống.

ECT chủ yếu được sư dụng để điều trị tâm thần phân liệt, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có hành vi hung hăng hoặc tự tử và hội chứng căng trương lực. ECT có thể dẫn đến một số tác dụng phụ bao gồm suy giảm trí nhớ, co giật kéo dài, rủi ro liên quan đến gây mê toàn thân và các tác dụng nhỏ khác. Nhiều phân tích cho rằng ECT có liên quan đến tiêu cực và tích cực về tình dục, nguy cơ tử tự cao.

Trong bài báo năm 2018 "Use of electroconvulsive therapy in adolescents with schizophrenia in China" nghiên cứu khảo sát về % sử dụng liệu pháp ECT trong số những bệnh nhân vị thành niên mắc bệnh tâm thần phân liệt ở Trung Quốc, với 49,2% (411/835 bn tgia) có sử dụng liệu pháp ECT, cho thấy việc dùng ECT phổ biến cho những bn vị thành niên là không quá hợp lý...

*Phòng bệnh mở là một loại phòng bệnh được thành lập trong các bệnh viện chuyên khoa sức khỏe tâm thần không thực hiện quản lý khép kín. Nó thuộc về "khoa tâm lý", tên thật là "phòng tâm lý trị liệu". Các chuyên gia tin rằng "phòng bệnh mở" được thành lập bởi các bệnh viện chuyên khoa về bệnh tâm thần cung cấp một kênh và cách thức hoàn toàn mới để giảm căng thẳng, xứng đáng được khuyến khích và thúc đẩy.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Sau