Khoảng Cách Của Người

Chương 90: Kết thúc

Trước Sau
Edit: Kurokochii

Đêm đã khuya, Đình Sương tỉnh lại ở trong phòng ngủ tầng hai, để chân trần xuống lầu, men theo nguồn sáng đi tìm Bách Xương Ý. Cậu nhớ mang máng Bách Xương Ý có gọi mình dậy ăn trưa, nhưng cậu không dậy nổi, thế là Bách Xương Ý bèn ôm cậu lên trên tầng.

Đình Sương đi tới cửa phòng đọc sách, không hề quấy rầy, chỉ yên lặng ngắm nhìn Bách Xương Ý làm việc, mãi đến khi Bách Xương Ý ngẩng đầu lên trông thấy cậu.

“Tỉnh rồi à.” Bách Xương Ý bỏ ngang công việc trên tay, đi tới đấy thì thấy Đình Sương không mang dép, anh thuận tay bế cậu rồi bước về phía nhà bếp.

Đình Sương được đặt ngồi trên bệ bếp, uống một chén canh hải sản ấm áp, tiện thể đợi Bách Xương Ý hâm nóng lại thức ăn.

Tuyết đã ngừng rơi, ngoài cửa sổ là một mảng trắng xóa dày đặc, mặt tuyết bị ánh đèn nhà bếp chiếu rọi, có thể nhìn thấy rõ ràng một chuỗi dấu chân của Vico.

Đình Sương nhớ tới buổi hẹn hò đầu tiên của bọn họ, và vô số buổi hẹn hò sau đấy, tất cả đều giống như bây giờ, nhưng đông đến lại có cảm giác hoàn toàn khác biệt, mùa đông khiến con người ta càng cảm thấy ấm áp hơn.

Uống xong bát canh, Đình Sương mò từng con ngao trong bát để gặm thịt, sau đó ném vỏ về phía thùng rác.

“Còn hơn ba tháng nữa mới đến khai giảng học kỳ mới.” Cậu vừa nhóp nhép vừa cân nhắc chuyện mấy tháng tới, cứ nói nhát gừng câu có câu không, rất là tùy ý: “Khoảng thời gian này… em dự định đua đòi anh thời còn trẻ… một mình lái xe đi thăm thú khắp nơi, đi tâm sự với nhiều con người khác biệt. Trước đây em từng nói với anh rồi nhỉ, em cảm thấy mình cần có sự từng trải giống như thế.”

Bằng không, cậu chẳng biết nên làm thế nào để xây dựng lên tòa nhà của riêng mình.

Cậu không nóng lòng xây dựng tòa nhà kia ở một nơi mà mình đã biết và nắm chắc, cậu cũng không nóng lòng bắt buộc tới bao nhiêu tuổi thì bắt đầu xây dựng tòa nhà. Cậu chỉ muốn rời khỏi quỹ đạo trước đây, đi xung quanh một chút, dừng lại thở một hơi, kiếm vài ba viên gạch.



Đình Sương ở bên cạnh Bách Xương Ý qua dịp lễ Giáng Sinh và tân niên, sau đó mới bắt đầu xuất phát.

Cậu thuê một chiếc xe jeep phổ thông, đổ đầy xăng, mang theo quần áo từ đông tới hè, đi tới cửa hàng cắt tóc cạo trọc lóc cả đầu, bảo rằng để kiểu này cho tiện.

“Trông giống thanh thiếu niên tội phạm nhỉ?” Đình Sương soi gương, sờ mò quả đầu trọc của mình.

Bách Xương Ý ôm eo cậu, cúi đầu hôn: “Nói anh nghe em bị giam trong tòa ngục nào?”

Đình Sương đáp lại nụ hôn ấy, đùa giỡn hỏi: “Sao thế, anh muốn đi cướp ngục à?”

Bách Xương Ý cười nhẹ, bảo: “Anh đi làm giám ngục.”

Đình Sương cắn nhẹ cằm anh một cái: “Anh muốn nhốt em lại kiểu đó à?”

Bách Xương Ý thở dài trong lòng, có thể nhốt em lại thì tốt biết mấy.

Đứa nhỏ ấy mà, sớm muộn gì cũng phải thả cho cậu đi đây đi đó.

Vừa ra đến ngoài cửa, thấy Đình Sương mang theo vali hành lý, Vico bèn nhào tới cọ cọ liên tục, Đình Sương vuốt ve đầu con trai nhà mình, bảo: “Con trai ngoan à, bây giờ nhìn ba giống ‘tay trắng ra đi’ thế thôi… chứ thực ra ba chỉ đi du lịch tầm ba bốn tháng, con ở nhà nhớ canh papa chặt vào nhé, phải phòng cháy phòng trộm phòng chú đẹp trai biết chưa.”

Nói xong, Đình Sương để hành lý vào sau cốp rồi lên xe.

Bách Xương Ý đứng cạnh chiếc xe jeep, Đình Sương gạt cửa kính xuống, cùng Bách Xương Ý trao nhau một nụ hôn dưới trận tuyết rơi đầu tiên của năm mới.

Tuyết rất lớn, tới khi nụ hôn kia kết thúc, trên đầu của Bách Xương Ý đã đọng một tầng tuyết.

“Em có thể mường tượng ra cảnh mái tóc anh bạc màu rồi.” Đình Sương phủi chỗ tuyết kia đi, nói.

Bách Xương Ý: “Lúc sắp chia xa thì đừng nói những lời làm anh lo sợ kiểu ấy.”

Đình Sương cười rộ lên, cười xong thì nghiêm túc bảo: “Em sẽ nhanh chóng trở về.”

Bách Xương Ý gật đầu, trong mắt chứa đầy ý cười dịu dàng: “Ừ.”

Đình Sương nói tiếp: “Tới được chỗ nào là em sẽ viết thư hoặc gửi bưu thiếp về cho anh.”

Bách Xương Ý: “Ừ.”

Đình Sương: “Em sẽ thường xuyên gọi điện thoại cho anh.”

Bách Xương Ý: “Ừ.”

Đình Sương: “Em sẽ nhớ anh lắm.”

Bách Xương Ý: “Ừ.”

Đình Sương khởi động xe: “Em chuẩn bị đi đây.”

Bách Xương Ý: “Chú ý an toàn.”

Đình Sương nhìn con đường phía trước vài giây, đột nhiên mở cửa xuống xe, rồi ôm chầm lấy Bách Xương Ý: “… Cảm ơn anh.”

Bách Xương Ý xoa xoa mái tóc ngắn ngủn rằm rặm của cậu, nói: “Cảm ơn gì chứ? Cảm ơn anh vừa nhìn thấy em được mấy ngày đã chịu thả em ra ngoài quậy phá ba tháng hả?”

“Ừm… không chỉ riêng việc ấy.” Đình Sương chẳng biết nên nói thế nào.

Bách Xương Ý cười bảo: “Anh hiểu mà, đi thôi.”



Đình Sương gật đầu, hôn anh một cái rồi ngồi vào trong xe.

Bách Xương Ý đứng yên ở đó, nhìn vết bách xe lăn dài trên mặt tuyết.

Cổng sân không đóng, Vico chạy đến cọ cọ chân Bách Xương Ý, rồi hướng về phía xe chạy mà sủa hai tiếng.”

Bách Xương Ý xoa đầu nó, bảo rằng: “Vào nhà nào, bé con bị bỏ lại.” Vào nhà cùng với ông già bị bỏ lại này thôi.



Ngày mùng bảy tháng một, Bách Xương Ý quay lại trường học để công tác, đi làm được mấy ngày thì anh nhận được bức thư đầu tiên của Đình Sương, con tem và dấu bưu điện vẫn thuộc nước Đức.

Chạng vạng, Bách Xương Ý ngồi bên cạnh lò sưởi, dùng dao dọc giấy mở phong bì rồi lấy thư ra đọc. Vico cũng chạy đến đó, dùng mũi ngửi ngửi bức thư kia, ánh lửa trong lò sưởi bập bùng khi mờ khi tỏ, chập chờn hắt lên trang giấy ——

Gửi sếp Bách thân yêu,

Em tới chân dãy Alpes rồi.

Em sống nhờ trong một trang trại ở phía dưới chân núi, từ nơi này có thể nhìn thấy được đỉnh Mont Blanc xa xa phủ đầy tuyết trắng.

Hiện tại đang là buổi tối, em ngồi bên lò sưởi viết thư gửi anh, củi trong lò sưởi là tự em nhóm đấy, bên chân em còn có một… đoạn này anh đừng để Vico xem nhé, tránh cho con nó nghĩ rằng em có con riêng ở bên ngoài —— bên chân em là chú chó chăn cừu vừa đầy một năm tuổi.

Hôm qua em đã đi làm quen với hoàn cảnh của trang trại, ngày hôm nay thì theo người ta ra đồng chăn cừu cả ngày luôn, lúc nghỉ ngơi em nằm trên bãi cỏ, có một con cừu béo ị lao tới dẫm vô mặt em, em phải chiến đấu với cẳng chân của nó một lúc lâu ơi là lâu, cuối cùng cũng bại trận.

Cảm giác rời khỏi thành phố sao mà kỳ diệu quá.

Ở một nơi đông đúc, em cảm thấy mình như một bộ linh kiện cần phải phối hợp với mọi thứ xung quanh. Nhưng khi chạy đến nơi không người, em lại cảm thấy mình giống như một con người.

Sáng ngày hôm nay, khi nhìn ngắm lũ cừu, em bỗng nghĩ tới sự khác biệt giữa chúng và con người.

Nhưng chẳng nghĩ được gì cả, chỉ ngửi thầy mùi là lạ trên người lũ cừu thôi.

Màn sao trên ngọn núi sáng lắm, hơn nữa còn chi chít, giống hệt màn sao mà hai đứa mình từng nhìn thấy trong chuyến đi phượt lần trước.

Ký tên: Đình.

Mặt sau của bức thư còn có một bức ký họa vẽ tùy tiện bằng bút máy, vài nét vẽ đơn giản họa lên dãy núi tuyết bao la triền miên, có mấy đốm nhỏ lấm ta lấm tấm, chẳng biết là sao trời hay ánh lửa nhân gian.

Bách Xương Ý đọc đi đọc lại bức thư những 3-4 lần, sau đó mới gập lại cất vào phong bao.

Khoảng chừng nửa tháng sau, anh nhận được một thùng lạp xưởng hun khói, trong thùng có một tờ giấy nhắn, là bút tích của Đình Sương, bảo rằng cậu học được cách làm lạp xưởng ở trong trang trại nên gửi về cho Bách Xương Ý nếm thử.

Trong một tháng này, Bách Xương Ý nhận tổng cộng được 10 phong thư, Đình Sương hầu như duy trì tần suất hai ngày một bức, kể lại những câu chuyện vụn vặt cho anh nghe.

Cậu đi vắt sữa dê, vắt nửa ngày trời mới nhận ra đấy là con đực, hơn nữa chỗ cậu vắt cũng không phải chỗ cho ra sữa… thế là cậu phải đi rửa tay mất nửa tiếng đồng hồ.

Cậu đi leo núi gặp phải bão tuyết, bị kẹt trên núi cả đêm với bạn đồng hành, mọi người tụ tập phía sau một tàng đá lớn, cố gắng giữ tỉnh táo để ngồi nói chuyện, chờ đợi niềm hi vọng.

Sáng hôm sau, khi cơn bão tuyết ngừng lại, bọn họ nhìn thấy một đàn hươu dũng mãnh phi ngang qua tảng đá. Đàn hươu này như một rặng núi, sừng hươu thì như những thân cây khô khổng lồ. Tất cả mọi người đều ngừng thở, đứng bất động như hòa làm một thể với núi tuyết.

Sau khi nhận được bức thư kể về trận bão tuyết, mặc dù biết Đình Sương đã xuống núi an toàn từ lâu, nhưng Bách Xương Ý vẫn gọi điện giáo huấn cậu một trận.

Lúc nhận được cuộc điện thoại ấy, Đình Sương đang băng qua dãy Alpes để đi từ Áo sang Italy, núi tuyết hai bên đường cao chót vót, mây mù bay trên sườn núi, cậu nghiêm túc nghe xong giáo huấn, sau đó hạ cửa kính xuống, để cho Bách Xương Ý cùng lắng nghe tiếng gió thét gào cùng mình.

“Bách Xương Ý, có phải trước đây anh cũng một mình lái xe băng qua dãy Alpes giống như em bây giờ?”

“Đúng vậy.” Bách Xương Ý bất đắc dĩ nói: “Ting, nhưng khi ấy anh không hề biết rằng sẽ có ai đó ở nhà lo lắng cho sự an toàn của mình.”

Đình Sương vội vàng đáp: “Em tuyệt đối không làm ra chuyện nào nguy hiểm đâu.”

Bách Xương Ý: “Trước khi làm cái gì hãy nhớ tới anh đầu tiên.”

Đình Sương đóng cửa sổ lại, giảm tốc độ xe, trầm thấp ừ một tiếng.



Bức thư đầu tiên của tháng thứ hai, dấu bưu điện là ở Florence.

Sáng sớm Bách Xương Ý đi làm thì thấy nó ở trong hòm thư, anh cầm đến văn phòng rồi mới mở ra đọc.

Cục cưng à,

Em đang học vẽ bọt sữa với một bậc thầy bartender, tối đến thì em ngồi trong quán cà phê gảy đàn và tán gẫu với những người khác.

Chỗ em ở thì nằm ngay trên quán cà phê luôn, hàng xóm của em là một sinh viên nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Cô ấy dẫn em tới thăm quan bức điêu khắc trên ‘Cánh Cổng Thiên Đường’ ở nhà rửa tội Thánh Gioan, phong cách của Andrea Pisano và Lorenzo Ghiberti khá là khác nhau.

(nhà rửa tội Thánh Gioan có ba cửa, cửa nam là tác phẩm của Andrea Pisano; cửa bắc và cửa đông là tác phẩm của Lorenzo Ghiberti; Cánh Cổng Thiên Đường là tên của cửa đông)

Bản thân cô ấy cũng biết vẽ nên muốn thuê cơ thể em một ngày để làm mẫu, em từ chối.

Em thấy vóc dáng của mình không ngon cho lắm.



Em đi tham quan rất nhiều phòng trưng bày mỹ thuật và viện bảo tàng, nhưng em chẳng nhớ nổi tác phẩm nghệ thuật nào, trái lại em nhớ rất rõ ở trên đường phố Florence có một bà lão người lấm lem thuốc màu đang tô điểm những viên đá cuội lát đường phỏng theo bức tranh của Sandro Botticelli.

Sáng sớm em đi ngang qua thì bà ấy đã vẽ rồi, chiều tối em ra bờ sông chạy bộ, lúc tạt qua vẫn thấy bà ấy còn ở đó vẽ, nhìn có vẻ đã sắp hoàn thành.

Nhưng chờ đến khi em chạy bộ về, dưới mặt đường chỉ còn vết nước đọng lại sau khi cọ rửa, dòng người qua lại, có lẽ trong số những người này chẳng ai biết được rằng, nơi bọn họ đạp chân lên đã từng có thần Vệ Nữ được sinh ra.

Buổi tối ngày hôm đó, em đã hát bài ở trong quán cà phê, tuy là chẳng có ai hiểu em đang hát cái gì, nhưng em vẫn đổi lời từ “thời gian không bằng phẳng” thành “thời gian sẽ bằng phẳng”.

Cuối tuần này em muốn tới Roma một chuyến.

Ký tên: Đình.



Quả nhiên tấm bưu thiếp tiếp theo được gửi đến từ Roma.

Đình Sương biết những thứ mình đang ngắm nhìn này, Bách Xương Ý đều đã từng ngắm nhìn qua, nhưng cậu vẫn muốn giới thiệu một lần nữa tới anh.

Cuối tháng ba, Hy Lạp.

Trải qua một tháng trời, Đình Sương đã tương đối hiểu về chợ cá ở nơi đây, suốt tháng ba này trong thư cậu chỉ vẽ toàn cá với ngao sò ốc hến.

Cậu còn bỏ ra hai tuần lễ để tới biển Aegean ngắm rùa biển.

Tóc của Đình Sương đã dài lại như lúc trước, da dẻ bị gió biển và ánh nắng mặt trời ‘ngâm’ thành màu mật ong.

Ngày hôm ấy cậu chuẩn bị quay về nước Đức, bờ biển ở gần đó bỗng có một con cá voi bị mắc cạn. Vì tới xem tình hình của con cá voi kia, Đình Sương đã trì hoãn lại hành trình.

Theo kế hoạch ban đầu, cậu lái xe xuyên suốt hai ngày thì chủ nhật sẽ về được tới nhà; hôm sau là thứ hai, cậu có thể cùng đi với Bách Xương Ý đến trường, học tiết đầu tiên của môn Robotik trong học kỳ này.

Có điều vì đi xem con cá voi kia, Đình Sương khả năng phải đối mặt với một vấn đề ‘vẫn y nguyên’ năm ngoài ——

Không đi học tiết đầu tiên.

Cậu muốn ngồi máy bay trở về, thế nhưng chết ở chỗ chẳng có chuyến bay nào phù hợp cả, chỉ có thể lái xe quay lại Đức.

Sáng ngày chủ nhật, Bách Xương Ý gọi điện thoại cho Đình Sương, hỏi cậu đang ở chỗ nào rồi, Đình Sương đáp sắp tới nơi. Đến buổi chiều Bách Xương Ý vẫn chẳng đợi được người, lại gọi điện thoại tới, hỏi cậu vì sao vẫn chưa về nhà, Đình Sương vẫn đáp sắp tới nơi.

Tối đến, vẫn chẳng thấy bóng dáng Đình Sương đâu, giọng Bách Xương Ý lạnh te hỏi rốt cuộc cậu đang ở chốn nào.

Đình Sương liếc nhìn bản đồ chỉ đường, nói: “Cục cưng à, anh đừng có giận mà hại thận, em thật sự sắp về đến nhà rồi.”

Bách Xương Ý bảo: “Em nói cho anh biết đi đã, em đang ở đâu rồi?”

Đình Sương không thể làm gì khác, đành khai thật: “Em tới biên giới Hungary rồi.”

Bách Xương Ý: “…” (Hungary cách Đức khoảng 1000km)

Đình Sương: “Anh yêu ơi… sáng mai chúng ta nhất định sẽ gặp được nhau ở trường học.”

Bách Xương Ý: “Em dự định lái xe liên tục cả đêm à?”

“Sáng nay em đã ngủ ở trên xe những mấy tiếng đồng hồ rồi, sẽ không bị mệt đâu.” Đình Sương nhỏ giọng tổ lái sang chuyện khác: “Anh không biết đâu, đứng nhìn một con cá voi ở khoảng cách gần chấn động lắm luôn… tiếp đấy em nhìn mọi người đưa nó trở về biển.”



Đình Sương lái xe xuyên màn đêm, thi thoảng sẽ dừng chân để nghỉ ngơi một chút, rồi lại tiếp tục lái xe.

Mãi đến khi tia nắng ban mai đuổi theo phía sau xe cậu.

8:10, Đình Sương dừng xe trước cửa trường học, vừa xuống xe liền chạy như bay về phía phòng học S17.

Lúc chạy đến bên ngoài phòng học, trên hành lang hết sức yên tĩnh, Đình Sương liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay, vừa nhảy đến 8:15.

Cậu vội vàng đẩy cửa đi vào.



Bách Xương Ý vừa bước vào lớp đã nhìn lướt qua toàn thể sinh viên ở trong phòng, phát hiện ra không có Đình Sương, một giây sau, cửa phòng học bỗng nhiên bị đẩy ra một cái —— đụng phải anh.

Bách Xương Ý quay đầu lại.

Trong tích tắc ấy, anh nhìn thấy người đẩy cửa là một cậu trai trẻ bụi bặm và mệt mỏi, thế nhưng ánh mắt lại trong trẻo chẳng có lấy một chút mệt mỏi nào.

Ánh mắt của hai người chỉ chạm nhau một giây, rồi Đình Sương thì đi tìm chỗ ngồi, còn Bách Xương Ý lại bước lên bục giảng, thời điểm bờ vai của hai người sượt qua nhau, tay nắm tay, tuy rằng chỉ là thoảng qua, không để cho bất kỳ người nào phát hiện đã buông.

Đình Sương ngồi xuống chỗ, từ trong túi áo lấy ra cây bút máy mà Bách Xương Ý cho cậu, bắt đầu nghe giảng.

CHÚ THÍCH

[1] Canh hải sản [2] Nascita di Venere: có nghĩa là sự ra đời của thần Vệ Nữ – vị thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp [3] Nhà rửa tội Thánh Gioan

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau