Trọng Sinh Chi Cùng Quân

Chương 95: Kim Lăng cố quốc bất kham hồi

Trước Sau
: Kim Lăng cố quốc bất kham hồi*

(Dịch nghĩa: Cố quốc Kim Lăng không thể quay về.)

Năm Cảnh Đức thứ ba, đặc cách bổ sung Lý Chính Ngôn, con của Thanh Nguyên quận công Lý Trọng Ngụ. Nữ nhi Lý thị, đế ban lụa trăm cây, tiền hai trăm vạn, dùng làm của hồi môn, đồng thời cử quan nội thần giám sát nghi lễ phong tước cho nàng.

Cùng năm, Trần Nghiêu Tẩu và Vương Khâm Nhược cùng nhậm chức Tri Xu Mật Viện Sự, quản lý quân vụ cả nước.

Mùa đông năm ba, đoàn đi sứ Liêu Quốc khởi hành hồi triều, khoái mã đưa công văn về thành Đông Kinh tấu Hoàng đế, hết thảy thuận lợi.

"Phái người có võ nghệ cao cường tự mình đưa bức thư này đến tận tay phò mã."

"Tuân lệnh." Trương Khánh nhận lấy chiếc hộp bị phong kín xoay người rời đi.

Không lâu sau bước nhanh trở lại, sự tình đã làm xong, hôm nay hắn đến là để bẩm báo tin mật thám đưa về.

Triệu Uyển Như ngồi trong đình viện ngơ ngác nhìn mây đen đang giăng kín chân trời phía Tây. Vào đông gió từ phương Bắc quát tới lạnh đến tận xương, cũng thổi lạnh chung trà nóng trên bàn.

"Tổ tiên của Đinh gia vốn là phụ tá của Tiết độ sứ Tiền Văn Phụng ở Ngô Việt Giang Nam. Ngô Việt từng giúp triều ta xuất binh đánh Nam Đường. Có thể là lúc đó mẹ đẻ của Đinh Thiệu Văn đã bị bắt vào Đinh phủ." Để điều tra những tin tức này, Trương Khánh đã phái vài tên thám tử ngày đêm cưỡi ngựa đến Giang Nam, lại cử một nhóm người riêng đến Kim Lăng, chỉ kém lật tung toàn bộ cố đô Nam Đường.

"Sau khi Lý Trùng Quang bị bắt vào Đông Kinh vây cánh của Nam Đường đã diệt. Có đoạn thời gian, những nữ tù bị bắt vào phủ phải thay tên đổi họ, thậm chí có người sợ đến sửa hộ tịch bán họ vào thanh lâu."

"Đinh gia vẫn còn tốt. Đinh Vị cả đời trôi chảy, sau khi đậu Tiến Sĩ quan vận càng hanh thông, được Đậu Xưng trọng thần của Thái Tông coi trọng, đem sính lễ đến đính hôn nữ nhi cho hắn, lại không biết trước đó hắn đã dan díu với gia kĩ trong phủ." Triệu Uyển Như cười lạnh: "Buồn cười là hắn lại tự xưng thanh cao, định ra gia quy buộc con cháu trong tộc không được qua lại với xướng kĩ."

"Đậu thị gả qua mới biết có sự tồn tại của Đinh Thiệu Văn. Ban đầu gây náo loạn, nhưng vì con đường làm quan của Đinh Vị quá trôi chảy, lại thêm Đậu Xưng bệnh chết vào năm Thái Bình thứ tám, nên cũng bỏ qua."

"Đinh Vị sủng thiếp, bất hoà với chính thê, sau lại bởi vì chính thê có con nối dõi, thị thiếp cho rằng mình bị thất sủng, để lại đứa con rồi hậm hực mà chết. Đinh Vị áy náy trong lòng nên cực kỳ thiên vị trưởng tử." Trương Khánh coi như đã sờ thấu Đinh gia. Gia tộc nào cũng có tình sử phong lưu, chỉ cần không làm lớn chuyện, cũng không ai quan tâm.

"Bà ta là mẹ đẻ của Đinh Thiệu Văn sao?" Đời trước Triệu Uyển Như gả cho Đinh Thiệu Văn, nhưng hoàn toàn không biết gì về chuyện trong nhà hắn cả.

"Vâng, là con gái nhà họ Tôn hành y nhiều thế hệ, sau này gia cảnh sa sút, nhờ Tôn thị gả vào Đinh phủ mới chống đỡ qua. Huynh trưởng của bà ta hiện giờ còn đang mở hiệu thuốc ở Mã phố, tự xưng là bà con, nhưng thật ra là huynh muội ruột thịt."

"Khó trách hắn ghét Đinh Thiệu Đức đến thế."

"Nói nửa ngày, chuyện quan trọng nhất đâu?" Triệu Uyển Như ngẩng đầu hỏi.

Trương Khánh tiến lên một bước khom người, nhỏ giọng nói: "Thân phận của người thiếp này thật sự rất đáng ngờ. Ban đầu điều tra khắp Kim Lăng cũng không tìm ra tung tích, sau đó thám tử vô tình nghe được mấy ông lão ở Vọng Lâu bên bờ sông Tần Hoài nhắc chuyện Nam Đường năm xưa. Nói là nguyên nhân chết của thái tử Văn Hiến Nam Đường rất kỳ lạ, không bệnh không tật đột ngột qua đời. Sau khi thái tử chết không lâu người trong phủ đều mai danh ẩn tích, kẻ nào lén bàn ra tán vào chuyện này đều bị quan phủ bắt đi, vài ngày sau cũng mất tích kỳ quái, từ đó trở đi không ai ở Nam Đường dám nhắc lại việc này nữa."

Trương Khánh lại nhỏ giọng nói tiếp: "Nghe nói thái tử Lý Hoằng Ký có một đứa con gái, lúc đó còn trong bụng mẹ không muốn người biết."

Chung trà trên bàn suýt nữa thì đổ. "Là mẹ đẻ của Đinh Thiệu Văn sao?" Cặp mắt hồng nhuận không biết vì sao dựng lên, Triệu Uyển Như cười run người: "A!"

"Thảo nào, thảo nào ngươi địa vị cực cao còn chưa thoả mãn, thảo nào ngươi hận Triệu thị ta, hoá ra đều là ta trợ Trụ vi ngược, nhất niệm thành tham."

Đằng sau dã tâm và dục vọng, hoá ra đều là do không cam lòng cùng thù hận. Triệu Uyển Như cười lạnh: "Có người nói, nếu năm đó người kế vị là Lý Hoằng Ký, thiên hạ này có lẽ đã là họ Lý."

Trương Khánh không cho là đúng: "Chuyện năm xưa đã là quá khứ, hiện giờ có nói lại cũng đã muộn màng. Triều đại thay đổi, đều do số trời. Đại Tống ta thuận theo lòng dân lập quốc, đó là thiên mệnh."

"Cô nương!" A Nhu vừa bước trên hành lang dài vừa nói: "Xe ngựa đến phủ Khai Phong đã chuẩn bị, có thể đi rồi chứ?"

"Không, ta vào cung trước một chuyến."

"Vâng."

Hoàng thành Đông Kinh, trước Thương Vương phủ, một chiếc xe ngựa đơn sơ được xa phu đánh tới.

"Mẫu thân có khoẻ không?"

Chiếc mũ nhung bị gỡ xuống đặt lên bàn, người tới nhận bình nước ấm từ tay nhị đệ gật đầu nói: "Biệt viện này đầy đủ mọi thứ, bếp than cũng nhiều, ta lại thường xuyên đến thăm, có cho bọn người đó cũng không dám bất kính với mẫu thân. Chờ qua vài năm nữa ta sẽ xin Quan gia đón mẫu thân về."



Con thứ sáu của Thái Tông - Thương Vương Triệu Nguyên Phân cưới con của Lý Hán Bân làm vợ, Lý thị được phong Sở Quốc phu nhân. Lý thị đanh đá tính tình lại ghen tuông, không phân trưởng thứ. Sau khi Triệu Nguyên Phân qua đời, Hoàng đế tước chức phong của Lý thị, lệnh bà dọn khỏi vương phủ, an bài ở nơi khác.

"Năm trước cha vừa bệnh chết, còn chưa qua ba năm để tang, Quan gia đã bắt ta cưới muội muội của Tây Bình Vương, kết thân với Tây Hạ!"

Người nọ vẻ mặt sầu khổ, mặc trên người một bộ áo gấm Tứ Xuyên, gương mặt tiều tụy, trắng bệch không còn chút máu, che miệng ho một trận mới nói tiếp: "Nghe nói người Thác Bạt thị tộc Đảng Hạng bọn họ, ai cũng chua ngoa đanh đá."

"Nhị Lang chớ có tin vào lời đồn nhảm của người bên ngoài." Triệu Duẫn Minh ôm bình nước nóng ngồi xuống, móc một tấm thiệp trong lòng ra, đưa đến trước mặt đệ đệ: "Hôm nay ta thuận đường ghé qua hỏi tình hình đoàn sứ thần Tây Hạ, Lý Đức Minh đã nhận thụ phong, nói vậy muội muội hắn đến Đại Tống hẳn sẽ được thụ phong trước khi gả cho ngươi. Bọn họ cũng học văn hóa Trung Nguyên, hơn nữa ta nghe nói nàng còn là đệ nhất mỹ nhân Đảng Hạng."

Triệu Duẫn Hoài cũng không vì thế mà vui mừng, ngược lại càng lo lắng nói: "Huynh cũng biết ta..."

"Đại ca về rồi!" Trên hành lang một thiếu niên mười một mười hai tuổi bước nhanh đến. Tuy tuổi đời không lớn, nhưng hiển nhiên đã rút đi vẻ non nớt, rất có dáng vẻ trưởng thành. Giày đỏ bước vào liền đứng yên, chắp tay khom người hành lễ: "Đại ca, nhị ca."

"Mấy năm sinh hoạt trong đại nội đã bồi dưỡng Duẫn thành một tiểu công tử trưởng thành." Đại ca Triệu Duẫn Minh đánh giá đệ đệ nói.

"Tam Lang rất giống cha." Triệu Duẫn Hoài ôn nhu nói, cũng lộ ra thiếu sức sống.

Triệu Duẫn Nhượng bước đến bên cạnh nhị ca quan tâm hỏi: "Bệnh cũ của nhị ca lại tái phát ư?"

Triệu Duẫn Hoài che miệng ho khan vài cái, sau đó vẫy vẫy tay: "Không sao."

Thiếu niên nhíu chặt mày nói: "Người của đại nội tới, Quan gia triệu nhị ca vào cung."

Ngày con dân Tây Hạ đưa dâu đột nhiên nghênh đón một trận tuyết lớn. Tuyết rơi liên tiếp ba ngày, một mảng trắng xoá bao trùm phủ Tây Bình. Bánh xe nghiền lên lớp tuyết xốp mịn, để lại hai vệt dài và sâu, chính giữa còn có dấu chân ngựa to bằng nắm tay.

Xe ngựa ra khỏi thành, đội cấm quân đóng bên ngoài chuẩn bị đi theo. Vài trăm đôi ủng sắt giẫm lên nền tuyết xốp mềm, bông tuyết bị đạp nát phát ra tiếng kêu răng rắc.

Đội ngũ thật dài đi trên nền tuyết trắng xoá, quân Tống mặc giáp mang nhung, quan Tống mặc áo gấm Tứ Xuyên, cùng với người đoàn nô bộc Đảng Hạng mặc áo bó bằng da thú.

Vài cây cờ xoay tròn trên đầu gậy trúc. Cờ Tống màu đỏ, cờ Đảng Hạng lại lấy màu vàng và đen làm chủ đạo.

"Ngươi không lạnh sao?" Trong xe ngựa xa hoa rộng lớn một người dò đầu ra hỏi, trang sức bằng vàng khẽ lắc lư.

Người ngồi trên ngựa hộ tống lắc đầu: "Mùa Đông ở trên núi còn lạnh hơn thế này nhiều."

Đường tuyết khó đi, xung quanh lại toàn là núi, để đảm bảo an toàn nàng vứt xe ngựa, cưỡi ngựa ngược gió tự mình hộ tống bên xa giá của công chúa Tây Hạ.

"Lúc còn nhỏ ta từng gặp một số Đạo sĩ Đại Tống, nhưng chúng ta tiếp xúc với Phật giáo là nhiều nhất. Hiện giờ thủ đô nước Vu Điền thờ Phật ở Tây Vực đã không còn nữa."

"Vu Điền?" Nàng nhớ đại hôn của nàng và Nguyên Trinh nước Vu Điền từng cử sứ thần đến chúc mừng. "Vu Điền xa xôi, cách Trường An hơn bảy ngàn bảy trăm dặm về phía Đông, bọn họ chỉ đến Đại Tống khi có Lễ Đại Triều, sao đột nhiên lại diệt quốc?"

"Đột nhiên..." Lý Cẩn Nguyệt nhìn Lý Thiếu Hoài: "Sao lại đột nhiên chứ, đương nhiên không phải đột nhiên!"

"Đại Tống chưa từng nghe Vu Điền có binh biến!"

"Tống là nước lớn, Vu Điền chỉ là nước nhỏ, không quan tâm cũng có lý."

Nghe Lý Cẩn Nguyệt nói, nàng mới chợt nhận ra: "Cũng không phải, Vu Điền được xem như cái nôi của Phật giáo ở Trung Nguyên, trung tâm Phật giáo Đại Thừa. Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đều có giá trị riêng, chẳng qua Đại Tống hiện giờ, ốc còn không mang nổi mình ốc mà thôi!"

Lý Cẩn Nguyệt gối đầu lên cửa sổ, ngốc ngốc nhìn nàng: "Ngươi là Đạo sĩ sơn môn, không phải nên tâng bốc Đạo gia, chống lại Phật - Nho sao?"

Nghe nàng hỏi vậy, Lý Thiếu Hoài nắm dây cương, nghiêng đầu nhìn sang nói: "Như vậy là cực đoan, thành kiến. Mỗi đạo giáo đều có giá trị riêng của mình. Ta tin Đạo, nhưng cũng tôn Phật, tập Nho. Không phải là vì thích, mà là vì ta biết có thể lấy thừa bù thiếu. Phàm là sách có ích, ta đều đọc."

"Nhưng người nghĩ được như ngươi, e rằng không nhiều lắm. Ta từng nhìn thấy, bất kể là Phật hay Đạo, phần lớn chỉ nói về Đạo của mình, mâu thuẫn với những đạo khác, hoặc là ngậm miệng không nói, không gây sự, nhưng đụng đến lợi ích, sẽ lập tức như nước với lửa, bên nào cũng muốn diệt bên còn lại."

"Bởi vì không phải là bậc thánh nhân." Bởi vì mỗi người đều có dục vọng riêng: "Theo ta thấy thiên hạ này vốn không có thánh, hoặc là nói, không người nào xứng được xưng là thánh."

"A cha từng mời tiên sinh nhà Tống đến dạy ta. Bài đầu tiên ông ấy giảng chính là Sư Thuyết."



Lý Thiếu Hoài xoay người nhìn chăm chằm vết bánh xe lưu lại phía trước: "Là cố thánh ích thánh, ngu ích ngu*. Sư Thuyết của Hàn Dũ quả thật là một án văn hay."

(Dịch nghĩa: Cho nên bậc thánh càng thêm sáng suốt, kẻ ngu càng thêm ngu muội.)

Tuyết dần dần mỏng đi, màu trắng trên mặt đất cũng dần ngả sang màu vàng, con đường mọc đầy bụi cây rậm rạp hai bên cũng trở nên lầy lội vì băng tuyết tan chảy. Các binh sĩ đã đỏ bừng mặt vì lạnh, hai chân mất đi cảm giác, trên đường cũng có người bị thương.

Cũng không phải Lý Thiếu Hoài không quan tâm bọn họ, mà là sợ tuyết lớn lấp kín núi, nên phải tăng nhanh tốc độ tranh thủ đến trạm dừng chân tiếp theo trước khi trời tối. Trên đường đi còn nhường xe của mình cho người bị thương.

Cỏ khô che lấp một cục đá lớn, bên trên có khắc ba chữ, Duyên An phủ.

"Đã đến phủ Duyên An, đi về hướng Đông thêm vài dặm nữa sẽ đến Duyên Châu!"

Nghe vậy, nữ tử trong xe ngựa ló người ra. Vào Đông phủ Duyên An một mảnh hoang vắng. Cũng chính sự hoang vắng này, đã lần nữa chạm vào trái tim vốn chưa bao giờ sinh tình của nữ tử thảo nguyên.

Bi thương đột nhiên dâng trào, sóng mũi bất giác cay cay, run môi đỏ phun ra hai chữ: "Duyên Châu!"

"Đã quên nói với quận chúa, lần này đến Duyên An phủ nguyên nhân là do có một số việc cần xử lý ở chợ giao thương." Lý Thiếu Hoài đột nhiên ngây người: "Quận chúa ngươi..." Người trên xe đón gió mà đứng, quần áo mỏng manh bị gió thổi bó sát cơ thể hiện ra vẻ gầy yếu, lúc này nàng cực kỳ giống người trong lòng Lý Thiếu Hoài, vì thế thất thần lẩm bẩm: "Yên chi lệ, tương lưu túy, kỷ thời trùng*."

(*Dịch nghĩa: Nước mắt trên má, hoa và người làm say lẫn nhau, bao giờ mới gặp lại? - Thơ: Tương kiến hoan kỳ 1, tác giả: Lý Dục.)

Sờ áo khoác lông cừu phía sau, nhảy xuống ngựa, gọi người của Nội Thị Tỉnh tới căn dặn vài câu.

"Quận chúa từng gặp chuyện gì đau lòng ở Duyên Châu này sao?"

Lý Cẩn Nguyệt chớp đôi mắt màu lam, lắc đầu nói: "Chỉ là chút chuyện đã qua."

Đoạn đường tiếp theo đến chân núi Duyên Châu là phải đi bộ, thân tín đỡ nàng xuống xe. Nội Thị Tỉnh đưa áo lông chồn tới, Lý Thiếu Hoài nhận lấy khoác lên người nàng: "Ngũ hoa mã, thiên kim cừu**." Rượu thuốc trong bình hồ lô đổ ra mùi thơm độc đáo, cầm ly đến trước mặt nàng: "Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu, dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu**."

(**Dịch nghĩa: Ngựa năm màu, áo lông cừu quý ngàn vàng. Này con ơi hãy mang đổi lấy rượu ngon. Để ta cùng các bạn diệt tan nỗi sầu. Thơ: Tương tiến tửu. Tác giả: Lý Bạch.)

Mùi rượu nồng xua tan nỗi buồn trong lòng nữ tử: "Đây là rượu gì, thơm quá!"

"Đây là rượu thuốc do hạ quan tự chế, có thể trị bách bệnh, còn có thể giải độc chống lạnh."

"Có mùi trái cây!" Lý Cẩn Nguyệt nhận lấy một ly, ngửi ngửi hai mắt sáng lên.

"Bởi vì ta đã đặt vào vài quả mận, nên mới có mùi trái cây."

Bởi vì người trước mặt, nàng cố tình bắt chước người Hán nếm thử một ngụm, đôi đồng tử màu lam chợt trợn tròn: "Vừa uống vào có vị chua, chát, hiện giờ lại biến ngọt. Rượu là rượu, nhưng rất khác. Mùi vị này thay đổi giống rượu bà nội ta từng làm, nhưng cái này ngon hơn rượu của bà nội ta nhiều!"

"Quận chúa thích là tốt rồi."

Đoàn người dừng lại tiếp tục lên đường, một đội cấm quân được phân công ở lại trông chừng ngựa xe, đoàn người vừa đi vừa thưởng thức phong cảnh núi rừng Duyên An.

"Ngươi là người rất kỳ lạ."

"Kỳ lạ?"

"Ngay cả ta cũng trở nên kỳ lạ, vậy mà lại cảm thấy hứng thú với tên đầu gỗ như ngươi."

"Đầu gỗ..." Lý Thiếu Hoài tạm dừng lại, chợt đuổi theo: "Nói ta như vậy, ngươi là người thứ hai."

Lý Cẩn Nguyệt hơi nghiêng người xem Lý Thiếu Hoài, chợt hiểu ra: "Thiếu chút nữa ta đã quên, ngươi là phò mã của Tống triều."

Nói đến đây, trong núi đột nhiên truyền ra tiếng ngựa hí. Nghe thanh âm này là đến từ phía trước, Lý Thiếu Hoài rướn cổ lên hỏi: "Đằng trước xảy ra chuyện gì?"

Thám báo cưỡi ngựa về báo: "Bẩm Tư sự, là tướng quân Tào Vĩ đưa quân đến đón ngài!"

- - Hết chương 95 --

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen – Đọc truyện chữ Online đầy đủ nhất

Trước Sau